KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thôn Thiện Đăng gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Lượt xem: 133

Ngày 18/4, tức ngày 10/3 năm Giáp Thìn, Thôn Thiện Đăng đã tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống năm 2024.

 

anh tin bai

Các đại biểu về dự khai mạc lễ hội

Về dự lễ khai mạc có lãnh đạo Trung tâm Văn hóa – thông tin và Thể thao huyện, lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, đại diện các thôn xóm, các di tích trên địa bàn xã, cùng đông đảo con em xa quê và Nhân dân thôn Thiện Đăng.

Lễ hội truyền thống Làng Thiện Đăng được tổ chức gắn với di tích lịch sử Đình – Chùa – Phủ, nhằm lưu giữ và phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa, vừa mang ý nghĩa tôn vinh, tưởng nhớ công lao của các vị thần, vừa góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân xã Đại Thắng thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04 ngày 05/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đất Thiên Bản, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”, nâng cao chất lượng tiêu chí về văn hóa trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Đình làng Thiện Đăng thờ vị thần Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục – người huyện Chu Diên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là vị thần đã giúp vua Lý Nam Đế đánh đuổi giặc ngoại xâm và cũng là người đã đặt tên cho vùng đất Thiện Đăng ngày nay. Sau khi ông mất, Nhân dân làng Thiện Đăng đã lập Đình thờ, ghi nhớ công ơn.

 

anh tin bai

Lãnh đạo thôn ôn lại giá trị truyền thống của di tích

          Phủ làng Thiện Đăng thờ Đại Càn Thánh Mẫu. Theo tài liệu còn ghi lại, năm 1285, khi đất nước đang bị 50 vạn quân Nguyên sang xâm lược, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã phong cho Hưng Đạo đại vương làm Quốc công tiết chế thống lĩnh lực lượng quân đội. Lúc bấy giờ, ở làng Thiện Đăng có ông Đình Nguyên và ông Nguyễn Phụng giữ chức đội trưởng thủy quân, cùng tướng quân Trần Quốc Điền vâng mệnh HưngĐạo Đại Vương mang 500 quân xuống thuyền vào Chiến trường Châu Hoan nay thuộc khu vực tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An để thám thính tình hình quân địch. Biết  không thể địch nổi, 3 ông cho thuyền rút chạy, khi qua đền thờ Hoàng phi – nơi thờ Hoàng phi Tống Thái Hậu và 2 công chúa đã khấn lạy xin Thánh mẫu phù giúp. Các ông khấn xong, thì trời đất tắm tối mù mịt, sóng biển dâng cao, quân Nguyên vô cùng hoảng sợ, quay thuyền rút chạy, tướng quân Trần Quốc Điền  và 2 ông Đình Nguyên, Nguyễn Phụng thu được nhiều khí giới và vài chục chiếc thuyền. Sau khi thắng trận trở về, các ông đem tâu sự linh phù cho vua Trần nghe. Nghe xong, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã ban cho 300 quan tiền xanh và sai người về thôn Thiện Đăng, xã Đại Thắng tu sửa miếu điện, chuẩn cho Nhân dân được phụng  thờ thành mẫu Tống Thái Hậu và 2 công chúa. Cùng với Đình – Phủ, Chùa làng Thiện Đăng là nơi thờ phật, cũng là nơi thực hành tín ngưỡng dân gian của Nhân dân địa phương.

 

anh tin bai
anh tin bai

Lãnh đạo UBND xã Đại Thắng trao quyết định quản lý di tích và tặng hoa chúc mừng

Di tích Đình – Chùa – Phủ làng Thiện Đăng không chỉ là nơi thờ phụng, tri ân công đức các vị thần, nơi thực hành tín ngưỡng của Nhân dân, mà trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đồng thời có đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của địa phương trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng quê hương. Trong đó, phải kể đến các lớp bình dân học vụ diễn ra tại Đình làng vào các năm 1952 – 1953, là nơi đón tiếp đồng bào về tản cư, giai đoạn 1946 - 1954; là cơ sở hội họp của các tổ chức cách mạng, là nơi tập kết lực lượng du kích , lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường và là nơi đóng quân của Ban chỉ huy đơn vị Bộ đội chủ lực E316 sư đoàn 303, quân khu 3 từ năm 1979 đến năm 1981. Tất cả các sự kiện diễn ra tại Đình – chùa làng Thiện Đăng là những chứng cứ lịch sử khẳng định giá trị của di tích, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho Nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ ngày nay.

 

anh tin bai
anh tin bai

Các đoàn Đại biểu dâng hương tại Đình làng Thiện Đăng

Di tích Đình – Chùa – Phủ làng Thiện Đăng, xã Đại Thắng tọa lạc trên diện tích 2.290 m2, được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, gồm rất nhiều các hạng mục và thiết chế văn hóa. Trong các di tích còn lưu giữ nhiều cổ vật, sắc phong, khảm , tượng, kiệu có giá trị lịch sử lâu đời. Với những chứng cứ lịch sử còn lưu lại, năm 2008, di tích Đình – Chùa – Phủ làng Thiện Đăng đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai

Một số hình ảnh Đoàn rước trong Lễ hội làng Thiện Đăng

Lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa, trong những năm qua, công tác bảo tồn giá trị di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật Đình làng luôn được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong thôn quan tâm. Được sự ủng hộ của Con em xa quê và Nhân dân địa phương, Đình – chùa – Phủ làng Thiện Đăng được trùng tu ,tôn tạo ngày càng khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương. Hàng năm, tại di tích diễn ra một số kỳ lễ với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, thể hiện sự tri ân, thành kính của nhân dân địa phương đối với các vị thần và thánh Mẫu, như Lễ hội tháng giêng, lễ hội tháng 3 âm lịch, lễ hội tháng 8. Trong đó, lễ hội tháng 3 âm lịch thường được dân làng tổ chức qui mô hơn.

 

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai

Chương trình văn nghệ chào mừng lễ hội

Lễ hội  truyền thống làng Thiện Đăng, xã Đại Thắng năm nay được tổ chức trong 3 ngày từ ngày mùng 8 đến ngày 10/3 âm lịch, với các nghi lễ như lễ rước kiệu Thánh Mẫu, kiệu đức Thánh Trần Việt Vương, lễ dâng hương, lễ tế của dân làng và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia.

Việc tổ chức Lễ hội là nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân; cầu mong mưa thuận gió hòa, Nhân dân ngày càng có cuộc sống đủ đầy, sung túc; qua đây cũng là dịp gắn kết tình làng nghĩa xóm, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Lễ hội truyền thống làng Thiện Đăng, xã Đại Thắng góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương và cũng là dịp để nhiều người con quê hương đang công tác, làm ăn ở xa cũng về dự hội, góp công góp sức tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa của địa phương ngày một khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân.

P/v: Hải Vân – Trung tâm VH – TT&TT huyện