Nhiệm vụ công tác thông tin, truyền thông về công tác giảm nghèo đa chiều
Theo Quyết định số 90/QĐ-TTg, Tiểu dự án truyền thông về giảm nghèo đa
chiều được thực hiện với mục tiêu tăng cường truyền thông, nâng cao nhận
thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao
trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát
nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ
hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục
tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến,
mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã
hội. Tổng nhu cầu vốn thực hiện tiểu dự án là 800 tỷ đồng, trong đó ngân
sách trung ương là 600 tỷ đồng (vốn sự nghiệp); ngân sách địa phương là
100 tỷ đồng (vốn sự nghiệp) và vốn huy động hợp pháp khác là 100 tỷ
đồng. Trên cơ sở đó, ngày 30/6/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT nhằm hướng dẫn thực hiện
Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Điều 14 và Điều
15 Thông tư đã quy định cụ thể về việc thực hiện Tiểu dự án truyền
thông về giảm nghèo đa chiều. Theo đó, nhiệm vụ công tác thông tin,
truyền thông về công tác giảm nghèo đa chiều nhằm thông tin, tuyên
truyền đầy đủ, kịp thời về công tác giảm nghèo đa chiều trên cơ sở các
chuẩn nghèo đa chiều quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày
07/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn
2021-2025. Với nội dung thực hiện gồm tuyên truyền, phổ biến chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình
thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận
thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện
các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo và công tác huy động nguồn lực đóng
góp cho công tác giảm nghèo bền vững; tình hình thực hiện giảm nghèo đa
chiều trên các lĩnh vực; những kinh nghiệm trong sản xuất, gương điển
hình về giảm nghèo bền vững; phổ biến, định hướng cho người dân tham
gia, thụ hưởng Chương trình; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc
làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế,
giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ
giúp xã hội và bình đẳng giới và về quản lý thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, ưu tiên công tác thông tin,
tuyên truyền đến khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao.
07 hình thức thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo đa chiều
Có 07 hình thức thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo đa chiều, bao gồm:
(i) Thông tin, tuyên truyền trên báo chí, xuất bản phẩm: Sản xuất các
tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông khác có nội dung
về công tác giảm nghèo đa chiều, bao gồm các ấn phẩm, chuyên trang,
chuyên mục trên các sản phẩm báo chí; đối thoại chính sách trên báo
hình, báo nói, báo điện tử; (ii) Thông tin, tuyên truyền qua các hình
thức: Sân khấu hóa; sản xuất, phát hành, đăng tải các sản phẩm truyền
thông khác (tờ rơi, sổ tay, video clip, chương trình phát thanh, truyền
hình); (iii) Thực hiện các nội dung truyền thông để phổ biến tại các
buổi sinh hoạt cộng đồng có chủ đề về công tác giảm nghèo và tuyên
truyền, phổ biến thông qua các hoạt động thông tin lưu động ở cơ sở, ưu
tiên thực hiện trên đài truyền thanh xã; (iv) Tổ chức nói chuyện chuyên
đề, phổ biến cho hộ nghèo về chính sách giảm nghèo, kinh nghiệm, gương
điển hình về giảm nghèo tại cộng đồng dân cư; (v) Tổ chức các hoạt động,
phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”,
biểu dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức,
cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo; (vi) Phát động
các cuộc thi về thông tin, tuyên truyền trên báo chí và các hình thức
khác về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; (vii) Phát
triển, tăng cường hoạt động Trang thông tin điện tử về giảm nghèo của
các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, bao gồm nâng cấp phần cứng,
phần mềm, sản xuất nội dung thông tin để đăng trên trang thông tin điện
tử và hỗ trợ duy trì, vận hành Trang thông tin điện tử.
Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ
nguồn ngân sách trung ương đối với hoạt động truyền thông về giảm nghèo
đa chiều
Điều 22 Thông tư số 46/TT-BTC ngày 28/7/2022 quy định quản lý, sử dụng
và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 –
2025 đã quy định, hướng dẫn một số nội dung chi, mức chi đối với hoạt
động truyền thông về giảm nghèo đa chiều, cụ thể:
(i) Chi xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, sự kiện, chuyên
trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông về giảm nghèo bền
vững; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp,
các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo; hỗ trợ các cơ quan báo
chí, xuất bản thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo; xây dựng,
tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông định hướng
cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương trình, tiếp cận các dịch vụ xã
hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin,
trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới; tổ chức đối thoại
chính sách về giảm nghèo ở các cấp: Nội dung và mức chi thực hiện theo
quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này (Nội dung và mức chi thực
hiện theo quy định khoản 2 Điều 4 Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04
tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí
sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế -
xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030,
giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây viết tắt là Thông tư số
15/2022/TT-BTC).
(ii) Chi tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì
người nghèo - Không để ai bị bổ lại phía sau”; biểu dương, khen thưởng
đối với các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành
tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo, gồm chi thuê địa điểm, bàn
ghế, loa đài và các trang thiết bị cần thiết khác (nếu có): Mức chi theo
thực tế phát sinh trên cơ sở các hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và
phù hợp với phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao; chi nước uống
cho đại biểu tham dự: Mức chi theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư
số
40/2017/TT-BTC;
chi tài liệu (nếu có): Mức chi theo thực tế phát sinh và trong phạm vi
dự toán được cấp có thẩm quyền giao; chi thuê dẫn chương trình: Mức chi
tối đa 2.000.000 đồng/người/ngày. Tùy theo quy mô, Thủ trưởng cơ quan,
đơn vị quyết định mức thuê dẫn chương trình phù hợp với phạm vi dự toán
được cấp có thẩm quyền giao; đ) Chi biểu dương, tôn vinh, khen thưởng
đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện
Chương trình theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Nội dung và mức chi
khen thưởng thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn
bản hướng dẫn Luật.
(iii) Chi phát triển hoạt động trang thông tin điện tử về giảm nghèo:
Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư
này (Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng
công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của
pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực
thông tin và truyền thông).