KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc (Trung nghĩa, xã Liên Minh, Huyện Vụ Bản)
Lượt xem: 1191

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc tên thật là Nguyễn Văn Xuân, hiệu Nam Hồng, sinh ngày mồng 8 tháng 6 năm 1903 trong một gia đình công nhân ở làng Trung Nghĩa xã Hào Kiệt (nay thuộc xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Nhà nghèo, cha ông là Nguyễn Văn Chuẩn đi làm công nhân cho hãng tàu thủy Long Môn, Giang Môn chạy đường Nam Định - Hải Phòng và Nam Định - Hà Nội. Năm 15 tuổi, đang học dở, Nguyễn Văn Phúc phải nghỉ học để đi làm công cho hiệu tạp hoá Nguyễn Văn Viết ở thành phố Nam Định. Ngồi trông cửa hàng, lúc rỗi rãi Nguyễn Văn Phúc vẫn tranh thủ đọc sách báo và giao lưu với nhiều học sinh trường Thành Chung Nam Định hay đến mua dụng cụ học tập như: Đặng Xuân Khu, Trần Quang Tặng, Nguyễn Đức Cảnh...

Tháng 4 năm 1926, thầy trò trường Thành Chung Nam Định tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Chu Trinh tại nhà Tế bần Nam Định. Nguyễn Văn Phúc cùng dự với nhóm học sinh Thành Chung. Lòng yêu nước và ý thức cách mạng ngày càng được nâng cao. Tháng 7 năm 1927, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức phát triển về đến Nam Định. Nguyễn Văn Phúc được kết nạp và được dự lớp chính trị đầu tiên do đồng chí Trịnh Đình Cửu hướng dẫn. Từ đó, tổ chức này đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, thanh niên, học sinh Nam Định thắng lợi. Đồng chí Nguyễn Văn Phúc trưởng thành trong phong trào, tham gia Ban Chấp hành Tỉnh bộ. Đầu năm 1929, đồng chí Nguyễn Văn Phúc được cử làm Bí thư Tỉnh Đảng bộ Nam Định. Sau đó, xứ Ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Nguyễn Văn Phúc về Hà Nội, đi "vô sản hoá" trong anh em phu kéo xe tay Hà Nội, lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh với chủ bảo vệ quyền lợi của anh em phu kéo xe, đạt nhiều thắng lợi.

Ngày 17 tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Hà Nội. Lớp Đảng viên cộng sản đầu tiên có 25 đồng chí, trong đó Nam Định có 3 đồng chí là: Đặng Xuân Khu, Nguyễn Văn Phúc, Trần Quang Tặng. Đây là những Đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Nam Định. Đồng chí Nguyễn Văn Phúc là đảng viên cộng sản đầu tiên của huyện Vụ Bản.

 Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Phúc được Xứ Ủy Bắc Kỳ cử về tham gia tỉnh ủy Ninh Bình, Không bao lâu, tháng 4 năm 1990, đồng chí lại được cử tham gia Tỉnh ủy Thái Bình, rồi làm Bí thư Tỉnh Ủy Thái Bình, Trong Cao trào cách mạng 1930 - 1931 của Đảng phát triển mạnh mẽ khắp cả nước, đồng chí Phúc cũng lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình nổi tiếng khắp nước: Cuộc biểu tình ngày 01/5/1930, kỷ niệm ngày Quốc tế lao động ở thị xã Thái Bình và cuộc biểu tỉnh ngày 10/11/1930 của nông dân Tiền Hải hưởng ứng cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tháng 7 năm 1930, sau khi khảo sát phong trào công nhân Nam Định, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng Trần Phú đã về khảo sát phong trào nông dân Thái Bình. Đồng chí Nguyễn Văn Phúc đã báo cáo tình hình cụ thể về đời sống và cuộc đấu tranh của nông dân Thái Bình, hướng dẫn đồng chí Trần Phú thăm một số cơ sở cách mạng có phong trào nông dân hoạt động, lấy tư liệu thực tế để viết “Luận cương chính trị của Đảng” năm 1930.

Tháng 4 năm 1931, do có sự phản bội, đồng chí Nguyễn Văn Phúc đã bị bọn mật thám bắt ở số nhà 146 phố Gia Long - Hà Nội (Bà Triệu) cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác và bị kết án 20 năm tù. Trong thời gian bị giam giữ tại các nhà tù Hoả Lò, Sơn La, Côn Đào nhưng đồng chí Phúc luôn giữ vững chí khí chiến đấu, tham gia chi bộ bí mật trong nhà tù, học tập nâng cao trình độ, giữ gìn phẩm chất cách mạng. Năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp cầm quyền, ban bố nhiều chính sách tiến bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Phúc được ra tù, nhưng bị quản thúc ở quê nhà tại làng Trung Nghĩa. Sau khi liên lạc được với Tỉnh Ủy Nam Định, đồng chí Phúc lập các nhóm đọc sách báo tiến bộ, mở các lớp dạy chữ quốc ngữ, bí mật tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho thanh niên.

Đồng chí thường đưa con gái đi học ở thành phố, che mắt địch để liên lạc với tỉnh Ủy, mua sách báo, lập thêm tổ đọc sách báo ở Dương Lai (Thành Lợi). Tỉnh Ủy cử cán bộ về phối hợp huấn luyện chính trị, thử thách công tác các thanh niên, chuẩn bị kết nạp Đảng để thành lập chi bộ.

Mùa xuân năm 1938, Trung ương Đảng điều động đồng chí Phúc lên công tác ở cơ quan báo "Tin Tức" của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tham gia các hoạt động dân chủ công khai của Đảng ở Hà Nội, nhà đồng chí ở Hà Nội cũng là cơ sở liên lạc của Đảng.

Tháng 4 năm 1939, Tỉnh Ủy cử cán bộ về kết nạp 5 đồng chí trong nhóm thanh niên do đồng chí Phúc tổ chức huấn luyện, thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Vụ Bản, do đồng chí Song Hào làm Bí thư.

Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới bùng nổ, thực dân Pháp ra sức đàn áp khủng bố cách mạng, Đồng chí Phúc lại bị địch bắt giam, hết nhà tù Hoà Lò, lại đến Sơn La, Nghĩa Lộ, Yên Bái. Tháng 3 năm 1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương. Ngày 17/3, đồng chí Phúc tham gia nổi dậy phá ngục tù ở nhà tù Nghĩa Lộ. Nhiều cán bộ Đảng thoát tù như: Trần Huy Liệu, Trần Quang Lân, Văn Tân v.v...đã trở về tham gia hoạt động cách mạng. Đồng chí Phúc bị địch bắt lại, chuyển về giam ở nhà tù Yên Bái. Cao trào cách mạng chuẩn bị tổng khởi nghĩa sục sôi khắp nước. Tỉnh Yên Bái đang thiếu cán bộ lãnh đạo, Tổ chức Đảng ở Yên Bái đã bố trí cho đồng chí Phúc vượt ngục, trở về tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Yên Bái, xây dựng chiến khu Vần, xây dựng lực lượng chờ thời cơ khởi nghĩa. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Phúc được cử làm Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Yên Bái. Tháng 9 năm 1945, đồng chí Phúc được cử làm Bí thư Tỉnh Ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái. Đồng chí đã về Hà Nội gặp Hồ Chủ Tịch và Chính phủ, gặp lại vợ con sau 5 năm xa cách. Đồng chí trở về Yên Bái, cùng Tỉnh Ủy lãnh đạo nhân dân Yên Bái chống thù trong giặc ngoài, đoàn kết toàn dân xây dựng Đảng và chính quyền cách mạng vững mạnh. Tháng 12 năm 1945, được bọn Tàu Tưởng đang đóng quân ở Yên Bái bao che, bọn phản động Việt Nam Quốc Dân Đảng đang đêm cướp chính quyền cách mạng ở Yên Bái, bắt giam đồng chí Phúc và nhiều cộng sự khác. Ngày mồng 9 tháng 2 năm 1946 vào một đêm tối trời, bọn phản động Quốc Dân Đảng đã ám hại đồng chí tại nhà tù Yên Bái.

Thi hài đồng chí Nguyễn Văn Phúc đã được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Đồng chí được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý. Đồng chí Nguyễn Văn Phúc đã hy sinh, nhưng hình ảnh đẹp đẽ của người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, bất khuất của quê hương Vụ Bản vẫn còn in mãi trong tâm trí nhân dân.

Phòng VHTT sưu tầm,soạn và giới thiệu

Theo Địa chí Văn hóa huyện Vụ Bản