Ngày 31 tháng 5, Chi cục Trồng trọt
và Bảo vệ thực vật tổ chức hội thảo, tham quan đánh giá mô hình sản xuất lúa
theo hướng hữu cơ tại xã Minh Tân.
Đại biểu tham dự hội thảo
Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn
Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Phạm Ngọc
Chi, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; lãnh
đạo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn huyện và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.
Với mục đích là sử dụng phân bón
hữu cơ để giảm dần và thay thế cho các loại phân hóa học, giúp cây lúa sinh trưởng
phát triển tốt, cải thiện môi trường đất, nước, giảm ô nhiễm môi trường để hướng
tới sản xuất bền vững, tạo ra sản phẩm lúa gạo có chất lượng cao, vụ Xuân năm
2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông
nghiệp huyện tiến hành triển khai chương trình “Xây dựng mô hình sản xuất lúa
theo hướng hữu cơ” tại cánh đồng thôn Thượng, xã Minh Tân. Quy mô diện tích 3ha,
sử dụng giống Bắc Thơm 7, với 16 hộ tham gia mô hình. Các hộ tham gia được tập
huấn kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ và kỹ thuật thâm canh cây lúa, nhờ đó mà nông
dân hiểu được và thực hiện tốt quy trình.
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại cánh đồng
thôn Thượng, xã Minh Tân.
Đánh giá kết quả, bước đầu mô
hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã tiết kiệm được giống lúa, công sạ, công
chăm sóc do áp dụng sạ và bón phân bằng máy. Chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp
hơn so với ngoài mô hình do trong đợt trừ khô vằn lần 1 không phun thuốc kèm để
trừ các đối tượng sâu bệnh khác như nông dân ngoài mô hình. Hiệu quả kinh tế
đạt 20.344.000đ/ha, chênh lệch lãi so với lúa ngoài mô hình là hơn 8.000.000đ/ha.
Sau khi trực tiếp tham quan mô
hình sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ tại xã Minh Tân, các đại biểu đều có
chung nhận định, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là phương thức sản xuất hiệu
quả, bền vững, phù hợp với xu thế và cần được nhân rộng. Lúa cứng cây, lá cứng
có màu xanh sáng, hạt lúa chắc mẩy…
Để nhân rộng mô hình, trong thời
gian tới, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp
nhân dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; tăng cường tổ chức các lớp
tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ, từng bước
nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng
cao của người tiêu dùng.

Mô hình tại xã Cộng Hòa và Hợp Hưng
Cũng trong thời gian này, các đại
biểu đã tham quan mô hình quản lý rầy nâu hại lúa, mô hình quản lý lúa cỏ có sử
dụng phân bón Năm con bò tại xã Cộng Hòa và xã Hợp Hưng./.
T/h:
Xuân Lộc (Trung tâm VH-TT&TT huyện)