Nhắc đến xã Liên Minh, không thể quên được đây là mảnh đất
anh hùng, có truyền thống văn hiến, với nhiều hiền tài cống hiến cho lịch sử
dựng xây quê hương, đất nước, như nhà cách mạng Nguyễn Phúc, Nhạc sỹ Văn Cao, Văn Ký,
nhà thơ Vũ Cao, Nhà văn Vũ Tú Nam, nguyên Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Thượng tướng Song Hào...
Nhắc đến họ, chúng ta không thể không nhắc tới tiến sỹ Phạm Duy Chất – một
người con của quê hương Liên Minh đã có nhiều đóng góp cho đất nước ở thế kỷ 17.
Khu Lăng mộ Tiến sỹ Phạm Duy Chất tại cánh đồng Mưỡu,
thôn Ngõ Trang, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Tiến sĩ Phạm Duy Chất, sinh năm 1615,
tên thật là Phạm Duy Hiền, người làng Ngọ
Trang, xã Liên Minh, huyện Thiên Bản xưa, nay là thôn Ngõ Trang, xã Liên Minh,
huyện Vụ Bản. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục và
làm nghề thuốc. Bố ông là cụ Phạm Duy Quang là người có học nhưng không ra làm
quan mà ở nhà dạy học và làm thuốc chữa bệnh cứu người, nhất là những người
nghèo khổ.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học, nên từ nhỏ,
tiến sỹ Phạm Duy Chất học hành chăm chỉ, chuyên cần, thông minh và chưa đầy 10
tuổi đã biết làm thơ. Theo
các nguồn sử liệu ghi lại, năm 14 tuổi, Phạm Duy Chất tham gia thi thả thơ ở Hội
làng Gạo đầu xuân. Đề bài của Phạm Duy Chất yêu cầu làm một bài phú ca ngợi cảnh
đẹp của vùng đất làng Gạo. Mặc dù găp đề bài khó, Song Phạm
Duy Chất đã tự tin ngồi vào bàn mài mực, vuốt giấy và viết... Khi hết giờ theo
quy định, bài viết của Phạm Duy Chất cũng vừa xong; lễ phép xếp gọn nghiên bút
rồi nộp bài cho các quan giám khảo. Hội đồng chấm thi phần lớn là các quan Đốc
học, quan nghè, quan cử... được ban tổ chức hội làng mời về dự hội. Đọc bài của Phạm Duy Chất, các vị
giám khảo đều tâm đắc và bất ngờ bởi bài phú "Quả linh phong thổ ký" với nội dung hay lại được viết bởi
một cậu bé 14 tuổi làng Ngọ Trang và bài phú được chấm điểm đạt giải nhất.
Cho đến nay, trong tư liệu để lại đình làng Quả Linh có bài phú dài 130 câu,
957 chữ, nhiều đồ nho, nho sinh thời trước còn thuộc bài ký này.
Năm 19 tuổi, Phạm Duy Chất được một bậc đại
khoa người làng Đại Đê mời về kinh dạy học. Năm 1638, Phạm Duy Chất 24 tuổi đã đi
thi Hương đỗ Hương cống tức Cử nhân bây giờ và được bổ làm quan võ Đô chỉ huy
Thiêm sự. Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, sức khỏe lại yếu
nên con đường tiến thân của ông bị nhiều hạn chế, song ông vẫn miệt mài kinh sử,
sau nhiều năm, ông dự kỳ thi Hội rồi thi Đình và đã đỗ Đệ tam cập đồng tiến sỹ
xuất thân Khoa Kỷ Hợi năm Vĩnh Thọ 2 - 1659, đời Vua Lê Thần Tông. Ông được bổ nhiệm
làm quan ở Viện Hàn Lâm của triều đình.
Không bỏ
phí thời gian, ngoài công việc, ông lao tâm đọc sách, khảo cứu. Nhờ thế, học thức
của ông ngày càng uyên thâm. Mùa Đông năm 1659, vua mở khoa thi Đông các cho các quan đã đỗ tiến sĩ dự
thi. Vua chọn 5 người trong đó có Phạm Duy Chất và ông được thăng chức Đông các
Hiệu thư. Năm 1663, nhiều quan chức xứ Sơn Tây phạm tội tham nhũng, ăn hối lộ bị
bãi chức, có người bị xử tử. Vua cử Phạm Duy Chất làm Tham chính xứ Sơn Tây để
chấn chỉnh tình hình. Mùa xuân năm Ất Tỵ năm 1665, tiến sỹ Phạm Duy Chất được
thăng chức Đông các Đại học sĩ. Trở về triều, tháng Chạp năm Ất Tỵ - năm 1665,
tiến sỹ Phạm Duy Chất bị bệnh nặng qua đời. Nhà vua thương tiếc, truy tặng ông
phẩm hàm Công bộ Hữu thị lang, phong sắc thần cho làm phúc thần làng Ngọ Trang.
Nhà vua ban tiền, cấp thuyền và cử quan đưa linh cữu quan Nghè về làm lễ an
táng tại quê nhà. Hiện, Lăng mộ tiến sỹ Phạm Duy Chất được đặt tại cánh đồng Miễu
của thôn Ngõ Trang, xã Liên Minh. Đến đời vua Lê Dụ Tông (1705 -
1729) đã giao cho Bộ công dựng tiếp bia Tiến sỹ Phạm Duy Chất tại Văn Miếu - Quốc
Tử Giám - Hà Nội, cùng bia của các tiến
sỹ đỗ năm 1659.

Bia Tiến sỹ đặt tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội
Là một trong
những quan văn đứng đầu của triều đình khi cùng đi với Vua, tiến sỹ Phạm Duy Chất
đã làm thơ, câu đối để lại ở các nơi đã đi qua, như: Hai bài thơ về lịch sử nhà
Đinh (Vua Đinh) khi thăm khu đền Hoa Lư, ca ngợi bà Đàm Thị - mẹ vua Đinh Bộ
Lĩnh tại miếu thờ bà ở Làng Buồm, thuộc huyện Mỹ Lộc - Nam Định; có công đề nghị
và sửa chữa chùa Tiên Sơn, tức Chùa Gôi của thị trấn Gôi và chùa Nộn Sơn, tức chùa núi Hổ, xã Liên Minh.
Căn cứ vào tư liệu lịch sử, thân thế và công trạng của tiến sỹ Phạm Duy Chất đã
được ghi chép trong các sách: Đại Việt nhất thống chí; Đăng khoa lục; Đại Việt
lịch đại đăng khoa, Đảng khoa sử biển; Lịch huyện Đăng khoa bị khảo... những
năm vừa qua đã được thể hiện ở lịch sử Đảng
bộ tỉnh Nam Định, Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản; lịch sử Đảng bộ xã Liên Minh và
gia phả của dòng họ Phạm.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống giáo
dục, tiến sỹ Phạm Duy Chất đã không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu để đỗ đạt
và cống hiến cả cuộc đời cho dân tộc. Bảng
vàng ghi nhận tiến sỹ (quan nghè) với phẩm hàm Đông các đại học sỹ; được ghi dạnh
vào bia đá Quốc tử giám đó là điều vinh dự không chỉ đối với dòng họ mà còn là
một nhà khoa bảng được ghi nhận muôn đời trong lịch sử của nước nhà trước đây,
hôm nay và mãi mãi về sau. Đền đáp những đóng góp, cống hiến của tiến sỹ Phạm
Duy Chất, năm 2019, UBND
xã Liên Minh đã qui hoạch khu lăng mộ tiến sỹ Phạm Duy Chất với diện tích 360m2,
có đường vào khu lăng mộ nối với tuyến đường trục huyện Chợ Lời, Hiển Khánh
qua xã Liên Minh đến xã Đại Thắng. Dòng họ Phạm, thôn Ngõ Trang đã đầu tư nâng
cấp, tu sửa khuôn viên lăng mộ tiến sỹ khang trang, sạch đẹp.
Tiến sỹ Phạm Duy Chất là một trong những nhà khoa cử Việt Nam thời
phong kiến từ khoa thi năm1075 đến khoa thi năm 1919. Để tưởng nhớ công
lao và giáo dục tấm
gương hiếu học của tiến sỹ cho các thế hệ , được sự cho phép của cấp ủy,
chính
quyền xã Liên Minh, ngày 7/2 âm lịch tới đây, cấp ủy, Ban công tác mặt trận và Nhân dân trong thôn sẽ tôn bát hương thờ tự
tiến sỹ Phạm Duy Chất – người đã được sắc phong là Phúc thần của Làng tại Đình Làng Ngõ Trang,
đáp ứng nguyện vọng và sự mong đợi của dòng họ và Nhân dân trong thôn. Cuộc đời tiến sỹ Phạm Duy Chất là tấm gương
sáng để con cháu trong dòng họ và nhân dân địa phương kế thừa, học tập và phát
huy./.
Xuân
Nhâm Dần-2022
Sưu tầm, biên soạn, giới thiệu
Phòng VHTT Vụ Bản