Nằm trong
khuôn khổ Lễ hội Phủ Dầy, trong ngày 23/4 (Tức ngày mùng 4/3 âm lịch), Ban tổ
chức Lễ hội Phủ Dầy huyện Vụ Bản tổ chức Liên hoan nghệ thuật Chầu văn tại
Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát.
Các đại biểu tham dự Liên hoan chầu văn năm 2023
Đến tham dự
Liên hoan nghệ thuật Chầu văn tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát có NSƯT Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật
truyền thống tỉnh Nam Định; đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện;
Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện; các Thành viên Ban giám khảo hội
thi Hát chầu văn Lễ hội Phủ Dầy; lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền, các ban ngành
đoàn thể của xã; đại diện Thủ nhang của Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và
các diễn viên, nhạc công thuộc các Đền, Phủ thuộc Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy.

Đ/c
Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện phát biểu Khai
mạc Liên hoan Chầu văn năm 2023
Hội thi
hát chầu văn trong Lễ hội Phủ Dầy năm nay được tổ chức tại phương du Phủ Tiên
Hương và Phủ Vân Cát. Đây chính là không gian để vẻ đẹp của hát văn có dịp được
phô bày, lan tỏa cho du khách thập phương và để hát văn đến được gần hơn với cộng
đồng. Những địa điểm tổ chức hội thi hát văn trong Lễ hội Phủ Dầy đều thu hút sự
chú ý của du khách và được xem như một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong
chương trình Lễ hội.
Một số
hình ảnh của các diễn viên, nhạc công tham gia Liên hoan Chầu văn ở phủ Tiên
Hương và phủ Vân Cát
Năm nay, lễ
hội Phủ Dầy có 9 cung văn tham gia hát tại Phủ Tiên Hương và 8 cung văn tham
gia hát tại Phủ Vân Cát. Với 17 tiết mục hát văn như: Cô bé, Cô đôi, Chầu Đệ nhị,
chấu bé Bắc Lệ, Chúa Đông Cuông, Văn Công Đồng, Chầu Bà Đệ tứ, Chầu thần văn mẫu,
Quan Hoàng Mười… đã được các thí sinh thể hiện qua giọng hát mượt mà, cùng với
tiếng đàn, tiếng phách khi trầm khi bổng, đã lôi cuốn, thu hút khách thập
phương về với Lễ hội. Đồng thời như kể lại những câu chuyện, những tích xưa về
các vị thần, vị thánh được lịch sử hóa, được tôn thờ thành những người có công
với quê hương, với đất nước, chứa đựng tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc
Việt Nam. Chính vì vậy, nghi lễ Chầu Văn mang một giá trị văn hóa tinh thần cao
đẹp, đó là tinh hoa văn hóa được chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử, là biểu
tượng cho sức mạnh cộng đồng, cho sự sáng tạo và phát triển không ngừng của dân
tộc Việt Nam. Với ý nghĩa cao đẹp đó mà Liên hoan nghệ thuật hát Chầu Văn là một
nội dung quan trọng không thể thiếu trong Lễ Hội Phủ Dầy.
Là một
trong những diễn viên, nhạc công tham gia Liên hoan văn Chầu văn năm 2023, anh
Trần Xuân Thuận, chia sẻ với chúng tôi: “Hôm nay, anh em chúng tớ ở Phủ Chính
Tiên Hương có tham gia 3 tiết mục cô bé, cô đôi, chầu đệ nhị. Mỗi năm được tham gia thế này thì mình sẽ
được giao lưu được với các anh em hát văn ở khắp các vùng miền. Và mình mong muốn
thế hệ trẻ sẽ tiếp bước các bác, các cô các chú để giữ gìn các nét đẹp văn hóa
tâm linh”.


Liên
hoan Chầu văn thu hút rất đông du khách và nhân dân địa phương theo dõi
Ngày nay,
những làn điệu hát văn không chỉ được diễn xướng trong các di tích đền, phủ, miếu
linh thiêng để phục vụ tín ngưỡng tâm linh mà còn được biểu diễn trên những sân
khấu hiện đại với hình thức ca nhạc dân gian. Âm nhạc hát văn với đặc tính sôi
nổi, náo nhiệt cùng tiếng trống phách, thanh la rộn ràng có sức lan tỏa trong đời
sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của Nhân dân. Các bài hát
văn được soạn lời mới có giai điệu âm nhạc vui tươi, trong sáng, được chắt lọc
từ nghệ thuật hát văn truyền thống mang hơi thở và nhịp sống đương đại, có nội
dung ca ngợi quê hương đất nước, cổ vũ toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Chính vì thế, Liên hoan nghệ thuật hát Chầu Văn tại Phủ Tiên Hương
và Phủ Vân Cát là một trong những hoạt động luôn thu hút hàng ngàn khách thập
phương về với Lễ hội và ai cũng mong muốn được thưởng thức các tiết mục hát Chầu
Văn của các cung văn ở các Đền, Phủ.
Trải qua nhiều
biến cố thăng trầm, đến nay, nghệ thuật hát Chầu văn vẫn luôn giữ được hồn Việt
thuần nhất, mộc mạc, song cũng rất đa dạng, phong phú. Thực tế nghệ thuật hát
Chầu văn ở huyện Vụ Bản đã vượt ra khỏi các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo.
Chính vì vậy, việc duy trì tổ chức Hội thi hát Chầu Văn trong Lễ hội Phủ Dầy là
một dịp để gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát văn trong cách nghe, nhìn mới
nhưng vẫn bảo lưu được những làn điệu cổ, những phong cảnh diễn xướng cổ. Điều
đó làm cho giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật hát Chầu văn này luôn được
kế thừa và phát triển trong đời sống cộng đồng./.
T/h: Huyền Trang
(Trung tâm VH, TT & TT huyện)