Khai mạc Giải Vô địch các đội mạnh lân - sư - rồng toàn quốc lần thứ I năm 2025
Tối 12/5, tại Di tích lịch sử - văn hoá Chùa Hổ Sơn, xã
Liên Minh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn Lân - sư -
rồng Việt Nam và UBND huyện tổ chức khai mạc Giải Vô địch các đội mạnh lân - sư
- rồng toàn quốc lần thứ I năm 2025.
Về dự có đồng chí Trần Lê Đoài, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo Phòng Văn hóa
và Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện.
Đồng chí Trần Lê Đoài, Uỷ
viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
tặng hoa chúc mừng
Các đại biểu tặng hoa chúc
mừng
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh
trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia
Giải Vô địch các đội mạnh lân - sư - rồng năm nay diễn ra
từ ngày 12 đến 14/5 thu hút sự tham gia của 10 câu lạc bộ, liên đoàn lân - sư -
rồng với hơn 200 vận động viên đến từ các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Thái
Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Khánh Hoà, thành phố Hà Nội, thành
phố Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ giải đấu, các đội tuyển lân - sư - rồng
tranh tài ở các nội dung: múa rồng truyền thống, múa rồng tự chọn, múa rồng tốc
độ, múa rồng dạ quang, múa lân truyền thống - “Địa bửu” (múa lân dưới đất), múa
lân tốc độ, múa lân “Hoa mai thung” (múa lân trên cột cao) nam, múa lân “Hoa
mai thung” nam nữ. Trong đó, đội tuyển lân - sư - rồng Nam Định có hơn 20 vận
động viên biểu diễn, thi đấu ở các nội dung: múa lân truyền thống, múa lân
tốc độ, múa lân “Hoa mai thung”, múa rồng truyền thống, múa rồng tự chọn. Các
tiết mục dự thi của đội Nam Định đã gây ấn tượng đối với Ban tổ chức giải và
khán giả nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, các pha nhào lộn đỉnh cao và phần dàn dựng
tiết mục sáng tạo. Nhiều phần trình diễn được đầu tư cả về hình ảnh, trang phục
và âm nhạc, trống hội, đã góp phần tạo nên mùa giải sôi động, đa sắc màu, đồng
thời khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh của phong trào lân - sư - rồng Nam
Định.





Tiết mục múa rồng: Vui mừng ngày hội non sông của Đội Nam Định
Múa lân - sư - rồng là loại hình nghệ thuật dân gian
truyền thống, một kho tàng văn hóa vô giá phản ánh quá trình hình thành và phát
triển của các cộng đồng tại Vệt Nam và ngày càng phát triển mạnh, mang dấu ấn
riêng biệt, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Các tiết mục biểu diễn múa lân - sư
- rồng thường gắn với các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu hoặc các sự
kiện văn hoá cộng đồng nhằm xua đuổi tà khí và mang lại may mắn. Với sự hòa
quyện giữa nét đẹp tâm linh và võ thuật truyền thống, với các động tác được sử
dụng trong nghệ thuật múa, mang đậm nét đặc trưng của võ cổ truyền Việt Nam và
mang dáng vóc của văn hóa từng vùng miền, biểu tượng cho sức mạnh, may mắn và tinh thần thượng võ của dân tộc. Đây không
chỉ là loại hình nghệ thuật mang tính giải trí mà còn là di sản văn hóa phi vật
thể cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện đại.
Tiết mục múa rồng: Hà Nội rồng thiêng thức dậy, Thăng Long trường tồn của đội tuyển Hà Nội
Giải Vô địch các đội mạnh lân - sư - rồng toàn quốc là
dịp để các câu lạc bộ, liên đoàn lân - sư - rồng hàng đầu Việt Nam phô diễn kỹ
năng, kỹ thuật biểu diễn; các vận động viên có cơ hội được giao lưu, cọ xát,
nâng cao trình độ chuyên môn. Thông qua giải đấu góp phần bảo tồn, phát huy giá
trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật lân - sư - rồng truyền thống, lan tỏa tinh
thần đoàn kết, tự hào và bản sắc văn hoá, tinh thần thượng võ của dân tộc Việt.
Hải
Vân