Trong
những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vụ Bản đã tập trung thực
hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững. Bằng quyết tâm và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ lệ hộ
nghèo, hộ cận nghèo của huyện đã giảm, đời sống người dân được nâng cao, góp
phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Bà
Bùi Thị Sửu - xã Tân Thành bên ngôi nhà
mới của mình
Xác
định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng để phục vụ đắc lực cho mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong
huyện đã ban hành các văn bản triển khai công tác giảm nghèo với mục tiêu cải
thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; Đồng thời, thực hiện đầy đủ các
chế độ, chính sách dành cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng Bảo trợ xã
hội, người có công, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận một cách tốt
nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, như y tế, giáo dục, nhà ở, vốn vay ưu đãi..;
tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế
- xã hội, giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, Uỷ ban MTTQ các cấp cùng các tổ chức
thành viên trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội
viên và Nhân dân tham gia xây dựng quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn quỹ này, nhiều
hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ phát triển kinh tế, khám chữa
bệnh và tặng quà. Những hoạt động này đã lan tỏa sâu rộng và làm phong phú, sâu
sắc thêm truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, giúp người nghèo
vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Công ty Enter
B xã Hiển Khánh
Xã Hiển Khánh là một xã thuần nông,
chiêm trũng. Để làm tốt công tác giảm nghèo bền vững, những năm qua, ngoài thực
hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo, cấp ủy, chính
quyền địa phương đã chú trọng quan tâm đến công tác phát triển kinh tế, tạo việc
làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với những hộ cận nghèo, hộ
nghèo có điều kiện thoát nghèo. Theo đó, UBND xã Hiển Khánh đã thực hiện tốt công tác cải
cách hành chính, phát huy nội lực đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông để
thu hút đầu tư. Đến nay, trên địa bàn xã có 9 Công ty được thành lập, trong đó
có 7 Công ty đã đi vào hoạt động, tạo việc làm tại chỗ cho trên 2.000 lao động
trong và ngoài địa phương, với thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Đó là chưa kể trên địa bàn xã có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi và
các tổ hợp may công nghiệp, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Cấp ủy, chính
quyền xã Hiển Khánh còn quan tâm, tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động địa phương, nhất
là những lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và tạo điều kiện để họ được vay
vốn, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều của xã Hiển Khánh năm
2022 giảm còn 0.6%, hầu hết lao động địa phương đều có việc làm và thu nhập
bình quân đầu người của xã đạt trên 60 triệu đồng/năm. Kết quả của công tác giảm
nghèo đã góp phần tích cực để địa phương là một trong những xã đầu tiên của huyện
về đích xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiến tới xây dựng
nông thôn mới kiểu mẫu.

Lớp
dạy nghề may công nghiệp tại xã Hợp Hưng
Cùng với xã Hiển Khánh, nhiều năm qua,
xã Liên Minh cũng làm tốt công tác giảm nghèo. Với lợi thế có khu công nghiệp Bảo
Minh nằm trên địa bàn, nên hầu hết lao động trong xã đều vào làm việc trong khu
công nghiệp. Cùng với một lượng lớn lao động làm việc trong khu công nghiệp,
các hộ dân của xã Liên Minh còn đẩy mạnh phát triển kinh doanh dịch vụ vừa và
nhỏ, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Theo thống kê, đến nay, xã Liên Minh
có khoảng 250 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, tạp hóa, trang trí nội thất, vật
liệu xây dựng… Để giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã Liên Minh còn chỉ đạo thực
hiện đầy đủ các chế độ dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ kịp thời cho các
hộ không may rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải
pháp giảm nghèo bền vững, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm dần theo từng năm, đến năm
2022, toàn xã còn 0,76% hộ nghèo đa chiều.

Mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh Rụ -
xã Kim Thái
Cũng như xã Liên Minh và Hiển Khánh, các địa
phương trong huyện đã và đang thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm giảm nghèo
bền vững. Nhờ vậy, năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn 0,9%, bình quân thu nhập đầu người đạt 60,5 triệu đồng/năm. Để chương trình giảm nghèo triển khai hiệu quả, Ban chỉ
đạo chương trình giảm nghèo huyện hàng năm căn cứ mục tiêu giảm nghèo của địa
phương và hướng dẫn của các ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện chương
trình giảm nghèo bền vững qua từng giai đoạn, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các
xã, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người
dân nói chung và bảo đảm ổn định cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo nói
riêng. Trong đó, chú trọng hỗ trợ giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ
trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thực hiện kịp thời,
đúng chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện toàn huyện có 6.521 hộ được hỗ
trợ chính sách vay vốn ưu đãi với tổng kinh phí trên 213,8 tỷ đồng. Vốn vay ưu đãi đã giúp hộ nghèo,
hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện tự vươn lên, tạo việc làm nâng
cao đời sống, thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, chính
sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, Bảo hiểm
y tế, chăm sóc sức khỏe cũng được các địa phương tích cực triển khai. Đến nay,
toàn huyện có hàng chục hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới và sửa chữa
nhà, hàng nghìn người nghèo được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Các chính
sách hỗ trợ đã thực sự phát huy hiệu quả giúp hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo
có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Diện
mạo nông thôn huyện Vụ Bản từng bước thay đổi, người dân được tiếp cận và thụ
hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống của Nhân dân được nâng lên, nhiều hộ
thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu. Những kết quả trên cho thấy chương trình
giảm nghèo bền vững phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, đã thực sự đi vào
cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành,
các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp Nhân
dân và của chính người nghèo, người lao động trên địa bàn huyện.
P/v: Hải Vân – Trung tâm VH – TT&TT huyện