Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao “Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023” mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực. Phó Thủ tướng nhấn mạnh “tài nguyên số còn hơn cả một mỏ vàng, là một nguồn tài nguyên vô tận từ tư duy, sáng tạo và trí tuệ mà thế giới đã và đang tạo lập và khai thác. Đó là một nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, giúp chúng ta phục hồi tài nguyên tự nhiên, thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá”.
"MỎ VÀNG" BẮT ĐẦU LỘ THIÊN
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết năm 2023 được định hướng là năm dữ liệu số. Theo ông Tiến, tinh thần xuyên suốt đã được đề cập nhiều lần trước đây là người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Doanh nghiệp được khai thác dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ máy sinh ra theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.
Trên thực tế, việc mở rộng các điều kiện cho phép khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dữ liệu mở, kinh tế chia sẻ, từng bước cung cấp các dịch vụ số cho doanh nghiệp là xu hướng tất yếu, đồng thời qua đó còn tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng ngân sách.
Cụ thể như Đề án 06, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), cho biết sau một năm triển khai Đề án 06 (đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030”) đã góp phần tiết kiệm hơn 1,6 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước với 15 dịch vụ công thiết yếu... tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến người dân tham gia trên 35%, có những dịch vụ công đạt gần 100% như xác nhận chứng minh nhân dân 9 số tỷ lệ 100% tiết kiệm 0,9 tỷ đồng...
Ông Vũ Văn Tấn cho biết: đối với nhóm phát triển kinh tế số, tích hợp thông tin thẻ Bảo hiểm y tế thay thế bằng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, đã được triển khai hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh sử dụng bằng CCCD, đạt 94%, tiết kiệm tiền in thẻ bảo hiểm y tế giấy (24,7 tỷ đồng).
“Chúng ta đã tạo lập những giải pháp như chấm điểm tín dụng công dân, xác thực nhiều trường thông tin công dân. Giải pháp giúp người dân tiếp cận vay vốn tín chấp, đặc biệt là người yếu thế, loại trừ tội phạm lợi dụng tín dụng đen để thực hiện hành vi phạm tội. Công dân số được trang bị chữ ký số miễn phí khi sử dụng chữ ký số để tham gia vào các thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước”, Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, cho hay.
Dưới góc độ doanh nghiệp, theo Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa, hiện nay trong chuyển đổi số địa phương, bộ, ban, ngành, Văn bản số 452 cho thấy rất rõ các đầu việc cần gấp rút hoàn thành từ nay đến cuối năm. “Chúng tôi thật sự nhìn thấy có dữ liệu là mỏ vàng, đây là lúc mỏ vàng bắt đầu lộ thiên. Đây là lúc chúng ta bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, khai thác mỏ vàng này như thế nào thì vẫn còn là một con đường dài”, ông Khoa nói.
Chủ tịch VINASA cũng cho rằng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có đủ nguồn lực, năng lực công nghệ, kinh nghiệm giải quyết các bài toán của quốc tế. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ bằng nội lực, làm chủ thiết kế, công nghệ lõi và đang hợp tác chặt chẽ dần hình thành hệ sinh thái công nghệ số hoàn chỉnh cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
CỞI MỞ, SÁNG TẠO VÀ LINH HOẠT TRONG QUẢN LÝ DỮ LIỆU
Theo nhiều chuyên gia, để khai thác dữ liệu số hiệu quả, các chính quyền địa phương phải cởi mở, sáng tạo và linh hoạt hơn trong chính sách quản lý dữ liệu. Đại tá Vũ Văn Tấn cho rằng dữ liệu nếu chỉ đơn chiều sẽ không giải quyết được gì, mà chỉ phục vụ đúng ngành đó. Để có hoạch định chính sách lớn tầm quốc gia, vùng miền, phải có dữ liệu đa chiều, xóa bỏ cát cứ dữ liệu, do đó, dễ gặp nguy cơ tạo các đường thẳng song song, không thể tạo lập được để hoạch định chính sách tổng thể.
Theo ông Tấn, các bộ ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thành các điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp tích cực với Bộ Công an - đơn vị được giao chủ trì xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia - tạo lập kho dữ liệu dùng chung của Chính phủ đảm bảo hạ tầng, pháp lý, các điều kiện khai thác, sử dụng dữ liệu của con người xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.