Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ,
Chính phủ Việt Nam xác định, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính
phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc
chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.
Thời gian qua, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu
quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai
chính phủ điện tử. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian,
chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá
nhân; đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một
bộ phận cán bộ công quyền; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục
hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về
công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ
tục hành chính… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá
nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối
internet. Nếu trước đây muốn đăng ký thủ tục hành chính phải đến trực
tiếp cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ
sơ, thì nay, với phương thức dịch vụ công trực tuyến, mọi việc
liên quan đến thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở
nhà hay ở cơ quan, đơn vị; đồng thời, có thể theo dõi, giám sát được
tình trạng giải quyết hồ sơ. Vì vậy, khi tham gia sử dụng dịch vụ công
trực tuyến, các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được rất nhiều thời
gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm.
PVHTT