KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Truyền thống khuyến học - khuyến tài của quê hương Vụ Bản
Lượt xem: 1339

Khuyến học khuyến tài vốn là hình thức có truyền thống lâu đời, đặc biệt là những làng đề cao việc học hoặc có người đã từng đỗ đạt. Các hình thức khuyến học khuyến tài được quy định khá chặt chẽ từ trường học, qua các tổ chức hội và cả trong hương ước của làng, xã.

Trường học xưa kia chỉ có một thầy, những người tham gia gọi là môn sinh của thầy ở trường đó, không kể thế hệ, lứa tuổi, cấp học, ai cùng học một thầy ở trường đó thì coi chung một cửa người đào tạo", Thường mỗi trường có một hội Đồng môn. Hội đồng môn được lập ra ngoài yếu tố tôn sư trọng đạo, cùng kính trọng người thầy đã có công đào tạo, dạy dỗ mà còn là một sợi dây kết nối giữa các học trò với nhau, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống và công việc. Hội đồng môn thường có Trưởng tràng đứng đầu. Khi thầy gặp khó khăn hay thầy qua đời, trưởng tràng báo tin, phân công nhau giúp đỡ hay tổ chức giúp đỡ thầy. Họ có ý thức bảo vệ danh dự cho thầy và cho nhà trường, cho hội đồng môn. Nhiều làng có hội đồng môn để lại nhiều câu chuyện cảm động. Làng Cao Phương (Liên Bảo), hội đồng môn đã xây mộ cho thầy học là cụ đồ Dương Văn Tĩnh và cụ đồ Nguyễn Văn Triệu. Hội đồng môn của thầy học ở làng Cựu Hào, có cụ Mền là Nguyễn Văn Khâm (đỗ 4 khoa tú tài) mở trường dạy học, học trò có trên một nghìn người. Khi cụ Mền Khâm qua đời, hội đồng môn đứng ra tổ chức lễ tang cho thầy học, rất trọng thể. Khi đưa tang, học trò hơn nghìn người, có người đang làm quan áo mũ xênh xang, có người đang là nho sinh áo dài khăn tang đứng xếp hàng đôi từ nhà ra đến huyệt, tay cầm nến, nước mắt chan hòa, Nhiều hội đồng môn đã góp tiền phối hợp với dòng họ xây dựng từ đường thờ phụng thầy. Sự "tôn sư trọng đạo" là nội dung của giáo lý nho học, nhưng đã hòa hợp với sự biết ơn thầy giáo một truyền thống tốt đẹp của đạo lý làm người trong dân gian đã biểu lộ đẹp đẽ trên đất Vụ Bản này.

Còn hội Tư văn thì khác, hội Tư văn hay còn gọi Văn hội là tổ chức của các nhà nho ở cùng một địa phương. Do đó, có hội Tư văn hàng xã, hàng huyện, hàng tỉnh, không lệ thuộc vào một trường nào cả. Lúc đầu vào Văn hội, phải là người có khoa bảng, tiến sĩ, cử nhân, tú tài, tối thiểu các vị cũng đậu nhất, nhị trường trong các kỳ thi Hương, Sau này có sự mở rộng thêm đến các thầy khóa, hiệu sinh, phủ sinh và những ông đồ dạy học. Nói cách khác, muốn vào văn hội phải là người có học, ít ra cũng có đi thi, biết dùng chữ Nho và đọc sách chữ nho. Do đó, ngay cả một số lý dịch, cường hào muốn vào hội tư văn, nhưng không đủ tiêu chuẩn về học vấn, khoa bảng thì không được vào.

Văn hội cũng không tổ chức chặt chẽ, không có hệ thống dọc quan hệ với nhau về tổ chức, độc lập hoàn toàn về hoạt động. Văn hội hàng tổng thường phải có khoa bảng, tú tài trở lên, hoặc giám sinh Quốc Tử Giám mới được dự. Văn hội là một tập đoàn các nho sĩ, gắn bó với nhau một cách lỏng lẻo, tự nguyện, tự giác, tự đặt ra nhiệm vụ, nền nếp sinh hoạt và kỷ luật tự giác. Nhiệm vụ của hội Tư văn là khuyến khích việc học của kẻ sĩ trong địa phương, tiếp tục tự học, dùi mài kinh sử để đến kỳ thi lại lều chõng lên đường, Thi cho đến khi nào không muốn thi nữa thì thôi, Một trách nhiệm không kém phần quan trọng đó là việc hội Tư văn phải lo việc chăm sóc thờ phụng, tế lễ tại các văn chỉ, văn từ tùy theo cấp độ, Xuân thu nhị kỳ, văn hội lo chọn ngày, thông báo, tổ chức họp hành bàn bạc việc tế lễ tiên thánh tiên hiền tại văn từ, văn chỉ. Khi còn chế độ khoa cử nho học, các bậc Tư văn nhất là ở huyện, tổ chức các hội bình thơ, giảng sách cho người trong hội để nâng cao trình độ, chuẩn bị đi thi, trao đổi kinh nghiệm trong thi cử...

Điều đáng nói là hội Tư văn huyện Vụ Bản đã tập hợp được nhiều nhà nho yêu nước, đã từng làm quan, nay tìm cách từ bỏ về trí sĩ không muốn hợp tác với Pháp; hoặc Pháp và chính phủ Nam triều vời ra làm quan nhưng từ chối ở nhà dạy học như cụ nghè Tính, cụ cử Dĩnh, cử Khanh, cụ huyện Trác... Nên hội Tư văn huyện có tiếng nói mạnh mẽ, các quan huyện về nhận chức phải nể, hội Tư văn có đề đạt ý kiến gì các quan cũng phải xem xét.

Một hoạt động nữa khá mạnh, có nhiều ý nghĩa nhưng ít người biết đến công lao của các vị Tư văn hàng huyện là tập trung vào soạn, viết câu đối, liễn chương, Hoành phi cho các đền, phủ, các nhà thờ họ có danh vọng để tôn vinh, ca ngợi các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, làm vẻ vang cho nước nhà. Các đền, miếu thờ Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Lã Gia, các tướng đời Hùng, những danh nhân văn hóa như Lương Thế Vinh, Phạm Đình Kính, Vũ Công Chấn... đều được các vị trong hội Tư văn Vụ Bản như Vũ Lương Quý, Nguyễn Văn Tính, Trần Khắc Dĩnh, Nguyễn Văn Khanh, Trần Văn Tước và nhiều vị cử nhân, túi tài khác nữa biên soạn câu đối tiến cúng, Đây là một việc làm có ý nghĩa giáo dục cao và hoạt động văn hóa bổ ích khá độc đáo. Một hiện tượng rất đẹp, khá phổ biến trong nhiều làng ở Vụ Bản là làng thường cắt một số ruộng công để phục vụ cho việc học, thường gọi đó là học điền hoặc ruộng ông đồ... Làng Diên Trường (Minh Thuận) có một khu đất rậm rạp rộng hàng mẫu, gần đền làng, dân gọi là vườn học. Xưa nơi đó, thời phong kiến, dân đã tự lập trường, mời thầy về dạy cho con trẻ trong làng, Gia đình ông đồ trồng cấy ngay trên đất này để sinh sống. Các làng khác, ruộng học là để giúp thêm cho các ông đồ dạy học trong làng (ông đồ có thể tự mở trường, hoặc một gia đình nào đó mở trường mời ông đồ về dạy), có thêm thu nhập để bảo đảm đời sống gia đình. Nhiều hương ước các làng còn ghi điều khoản: Nếu ai đỗ khóa sinh (nghĩa là đủ điều kiện để đi thi hương) hoặc đỗ làm học trò của trường huyện (hiệu sinh), trường phủ (phủ sinh), thì làng cũng trích ruộng công cho người đó cày cấy lấy hoa lợi làm chi phí học tập. Ngoài ra, còn miễn sưu dịch cho những loại học sinh đang theo học này. Do đó, thời Lê Nguyễn, một số con nhà nghèo hiếu học và học giỏi vẫn có điều kiện học hành vươn lên. Tính nhân đạo và nhân văn của cộng đồng làng xã xưa đẹp là thế. Tuy nhiên, nếu học trò không chịu học hành chuyên cần thì bị phạt. Hương ước làng Phú Cốc (Minh Thuận) ghi: Trong làng, người đi học thì được miễn phu dịch. Nhưng ai lấy cớ đi học xa mà không chịu học hành thì đến 18 tuổi không miễn phu dịch, không được làm Nhiêu xã. Học trò hai kỳ hè đông ứng khóa tại tỉnh, hay phủ huyện mà trúng ưu hạng thì làng thưởng 5 sào ruộng để "khuyến sĩ tập" (khuyến khích học tập giỏi). Học trò đi thi Hương ở kinh đô thì được làng ưu đãi cấp lộ phí, cấp ruộng.

Hương ước làng Phú Lão (Minh Thuận) ghi: Học trò chuyên cần không theo nghề khác, đến rằm tháng Giêng đưa cơi trầu đến trình làng thì cho miễn tạp dịch để theo học. Nếu không học thì bắt về nộp phạt 5 tiền rưỡi. Ai đi thi phủ, huyện trúng hạng khóa sinh được miễn lao dịch 3 năm, nhiều lần như thế được miễn suốt đời. Bia đá Khảo lệ điền trì hội ký soạn khắc năm Tự Đức thứ 33 (1880) còn cho biết "Thân hào tiên hội cùng toàn thể hội Tư văn làng Đồng Kỵ lập bia ghi hàng năm làm lệ khảo hạch vào trung tuần tháng Giêng. Thí sinh phải trải qua ba kỳ thi hiển mục: Làm một bài thơ, làm một bài phú và sao chép một đoạn văn sách đã học hoặc bình giăng một đoạn văn. Sau khi làm xong, hội đồng chấm và xếp loại để cấp ruộng và tiền cho ăn học: Hạng nhất: thưởng ruộng học 2 sào 12 thước. Hạng nhì: thưởng ruộng học 2 sào. Hạng ba: thưởng ruộng học 1 sào. Ngoài ra, mỗi người được tặng tiền giấy bút là 10 quan tiền". Họ Vũ làng Tâm (Hương Kiệt, Liên Minh) có ruộng học (học điền) để động viên con cháu học tập. Ai đậu đạt từ Cử nhân trở lên thì được làm ruộng đó trong 3 năm.

Sách Tân Biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược cũng ghi: Tại xã Bảo Ngũ, tổng Bảo Ngũ có lệ để học điền, vào thời Lê có 3 mẫu, sang thời Nguyễn chỉ còn 2 mẫu 5 sào. Hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng ông hội trưởng hội Tư văn cùng xã trưởng và một số người tụ hội ở đình ra đề thi cho học trò, trò nào được loại ưu sẽ được thưởng một cái áo xanh da trời và một thùng thóc, kém hơn thì chỉ được một cái áo, còn dốt thì không có gì.

Ngoài thưởng đất học để khuyến khích những người học tốt, còn có lệ thưởng tiền và những tặng phẩm, các họ thường thưởng tiền - họ Nguyễn ở Quả Linh có tặng cho Tiến sĩ, phó bảng 15 quan tiền, cử nhân 10 quan, tú tài 5 quan, Bia đá "Bùi  tộc bi ký" của dòng bọ Bùi Huy ở làng Bách Cốc soạn năm 1839 ghi: "Trong họ có ai trúng tả tài sẽ được thưởng tiền 5 quan, trúng cử nhân thưởng tiền 10 quan.

Việc đón rước các bậc khoa bảng về làng cũng thể hiện tinh thần khuyến học, tôn vinh những nhân tài của quê hương, động viên tinh thần học tập trọng danh dự của quê hương, Hương ước nhiều làng ở miền thượng Vụ Bản quy định việc khá cụ thể:

Hương ước làng Hướng Nghĩa: Ai đậu tú tài, làng cử 3 phu, 10 cờ. 1 võng có dù che để đón rước. Nếu đậu cử nhân thì được cử 6 người phu, 20 lá cờ, 1 trống to, 1 trống nhỏ, 1 võng khiêng có lọng che rước về đình làng làm lễ, Ai trúng tiến sĩ, phó bảng vinh quy về làng thì chức sắc, kỳ mục ra nghênh đón, cử 100 phu có cờ trống để tôn trọng khoa bảng.

Hương ước làng Phú Cốc: Tùy theo thứ hạng mà đón. Có thể lập nhà nghênh đón, cắt cử người đi đón. Trúng tiến sĩ: 60 người, chiêng trống cờ lọng để đi đón, rước về đình để bái yết; trúng phó bảng: 40 người, 20 lá cờ, 1 lọng che; trúng cử nhân 30 người đón, 10 lá cờ 1 lọng; trúng tú tài: 20 người đón, 5 lá cờ, 1 dù che, dân đón tiếp tại nhà.

Hương ước làng Phú Vinh: Đậu phó bảng trở lên vinh quy về làng, làng cử người lên địa đầu huyện để rước về. Nếu quan Nghè, quan bảng khao làng, làng phải biện lễ mừng quan: 1 buồng cau giá 5 quan, 1 con lợn giá 15 quan tiền, 4 bao chè, 1 tấm lụa, 1 thúng gạo 25 đấu, Đậu cử nhân: Làng đến địa đầu bản tổng để đón về làng, sắm lễ mừng: 1 buồng cau 3 quan, đón về làng, sắm lễ về mừng: 1 buồng cau 3 quan, chè 2 bao, vãi lụa đỏ, một câu đối lụa đỏ, Đậu tú tài: Lý trưởng đốc suất tuần phiên cùng dân xã ra địa đầu xã đón về, mừng 1 buồng cau 1 quan, 1 bánh pháo, một đôi câu đối vải. Làng Bịch quy định: Mừng các bậc khoa bảng đón rước như các làng khác. Là tiến sĩ, phó bảng thì làng có một bức trướng đến mừng, Còn cử nhân, tú tài thì câu đối lụa đến mừng. Làng Phú Lão: Trúng Phó bảng trở lên vinh quy thì dân đinh trong làng từ 18 tuổi trở lên đón tại địa đầu huyện, rước về đình làm lễ khao vọng, mừng 1 buồng cau (5 quan), 4 bao chè, 1 bức trướng đỏ. Đậu cử nhân làng cử người đón địa đầu huyện, mừng 1 cau, 3 quan và đôi câu đối lụa. Đậu tú tài, làng đón tận địa đầu xã, mừng l buồng cau, 1 quan và câu đối lụa.

Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí để khuyến học khuyến tài, vào các ngày hội làng còn tổ chức các cuộc thi thơ, văn trong ngày hội, thi đọc mục lục, thúc ước trong các ngày lễ của làng. Một trong những hội thi quy mô lớn nhất trong vùng là hội làng Quả Linh. Vào hội tháng 3 các năm Dần, Thân, Tị, Hợi có tổ chức thi thả thơ. Đây là một cuộc thi tao nhã dành riêng cho các bậc nho sinh, các bậc danh sĩ muốn thử tài học cao thấp, đóng góp vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đám hội, đồng thời cũng là một hình thức khuyến học, khuyến tài.

Trên một lầu cao, dựng trước đám hát trước làng Gạo, các cụ Cử, cụ Tú của làng ngồi trên thả xuống vài chục cần câu, lưỡi câu đều buộc sẵn những đề tài bài thơ tứ tuyệt, thơ đường luật, làm câu đối về một đề tài cho sẵn hoặc đối lại một vế đối cho sẵn, thậm chí có đề bài bắt viết thành một bài phú, Nội dung đề tài làm theo từng loại, nói chung ca ngợi cảnh đẹp quê hương làng Gạo, quê hương Thiên Bản, ca ngợi các danh nhân quê hương... Các thí sinh tự mình chọn các đề bài ở cần câu rồi ngồi vào dãy bàn ghế, trước mặt có sẵn bút nghiên và giấy. Trong khi thí sinh làm bài, chiêng trống ầm vang cổ vũ, các cô gái hát vui đùa khích lệ. Có định thời khắc làm bài, ví như 2 khắc (nửa giờ cho câu đối, thơ tứ tuyệt, 4 khắc cho thơ đường luật và bài phú). Thí sinh làm xong, đem bài ngoắc vào lưỡi câu. Các cụ giám khảo nhấc cần câu lấy bài đem chấm ngay trên lầu, trao đổi bàn bạc cho điểm cụ thể. Chấm xong, trong buổi trao giải, các cụ đều phân tích cái hay, cái đẹp của bài, cho thí sinh đọc bài hay của mình, để quần chúng tán thưởng rồi trao thưởng, Giải thưởng chung là thí sinh nào cũng được một cặp bánh dày, đặc sản của làng Gạo. Ai được giải nhất nhì ba đều được thưởng tiền và lụa. Trò chơi thả thơ này của làng Gạo đã có từ lâu đời. Theo gia phả họ Phạm làng Ngọ Trang (Liên Minh) cho biết tiến sĩ Phạm Duy Chất (đậu Đệ tam giáp khoa Kỷ Hợi 1659), lúc mới 14 tuổi là nho sinh đã ra dự hội làng Gạo, bắt được đề thi "Quả Linh phong thổ ký", ông đã làm bài phú ca ngợi cảnh đẹp, người tài của đất Quả Linh và đã giành giải nhất. Năm Ất Tị (1905), cụ Phan Bội Châu đưa Cường Đễ và một số Sĩ phu miền trung ra nhà ông Đốc Trạch ở làng Khổng (xã Liên Bảo), chuẩn bị xuất dương sang Nhật trong phong trào Đông Du, Ngày hội làng Gạo vui quá, có hai sĩ phu trẻ tuổi, người họ Lê ở Thanh Hóa lén đi xem hội, đã dự hội thả thơ, đối lại câu đối của cụ cử Vũ Lương Quý ra đề. Khi bình, hai cậu đối đáp rất thông minh, được ban giám khảo chấm giải nhất, giải nhì.

Nhìn lại việc học hành khoa cử trên đất Vụ Bản, trải qua thời đại phong kiến, con người Vụ Bản nghèo khổ, luôn phải chống chọi với thiên nhiên để mưu sinh, đã nhìn thấy một cứu cánh là phải có học vấn để thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lẽ dĩ nhiên, ý thức nho học thời đó, học chỉ là để làm quan, nhưng khi có trình độ hiểu biết, với ý thức dân tộc cao, người trí thức nho học Vụ Bản thời đó đã biết suy nghĩ, vận dụng vào cuộc sống. Tư tưởng "dân vi quý" của Mạnh Tử (dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Nghĩa là có có dân mới cónước, có nước mới có vua. Cái chức vụ của người làm vua là phải bảo dân nghĩa là phải gìn giữ cái hạnh phúc của dân. Làm vua mà không hiểu rõ cái nghĩa vụ ấy là trái lòng dân, tức là trái mệnh Trời), một vị thánh sư của đạo nho đã chuyển thành tư tưởng "vì dân" của Lương Thế Vinh, để vị trạng nguyên 23 tuổi này quy chiếu, soi sáng mọi phép trị nước của thời đại phong kiến thịnh trị, để có quan điểm đúng đắn "Quan chức đặt ra là vì dân và vì dân mà làm việc", "Cần dùng nhân văn để giáo hóa thiên hạ"./.

Phòng VHTT sưu tầm,soạn và giới thiệu

Theo Địa chí Văn hóa huyện Vụ Bản