Có thể nói gia đình là trường học đầu tiên của cuộc đời, là nơi hình
thành nhân cách con người. Dạy con từ thưở lọt lòng, thuở còn thơ. Đó là giai
đoạn lúc con mới sinh ra đến 5 - 6 tuổi. Con bú dòng sữa mẹ, nghe tiếng ru hời
của mẹ đã bắt đầu tiếp thụ văn hóa dân tộc và văn hóa loài người. Trong cuộc
sống hàng ngày, lúc ru ẵm, bế bồng, từng giây từng phút, cha mẹ truyền cho con
những tình cảm, nhận thức và ý nghĩa của mình, những từng trải của mình lúc còn
thơ ấu đến trưởng thành và cũng mong ước đối với con như vậy khi con khôn lớn
trưởng thành. Lời nói nâng niu dịu dàng, nụ cười thân thương của cha mẹ và của
cả ông bà, anh chị nữa đều in sâu vào tâm hồn thơ ấu của trẻ những ấn tượng bền
chặt. Con trẻ sẽ giữ mãi trong lòng và mang theo suốt cuộc đời mình. Nội dung
lời hát mẹ ru con, câu chuyện ông bà, cha mẹ kể cho bé nghe và những lời khuyên
răn, dạy bảo khác, tất cả đều là "điều hay, lẽ phải" trong cuộc sống.
Những điều hiếu nghĩa, tình yêu thương trong gia đình, niềm biết ơn và kính
trọng ông bà, cha mẹ, anh chị trong gia đình... là những điều đầu tiên được cha
mẹ giáo dục con qua hát ru từ thuở lọt lòng. Người phụ nữ Vụ Bản thuộc lòng
nhiều bài hát ru con, canh khuya nằm võng hay ủ ấm con trong chăn nồng, đều nhẹ
nhàng, dìu dịu vừa hát ru vừa vỗ về cho con yên giấc. Gia đình nào ở Vụ Bản
cũng đều muốn có những đứa con ngoan, con cái phải mang về cho gia đình sự hòa
thuận, niềm vui và hạnh phúc, không ai mong muốn con cháu có thói hư tật xấu,
không muốn con cái mang về cho gia đình sự lo âu, đau khổ, nhất là sự xấu hổ,
túi nhục. Do đó, phải giáo dục con cháu từ lúc còn sống với gia đình cho đến
khi trở thành một thành viên gánh vác công việc xã hội, một công dân của Tổ quốc.
Người con chân chính trong gia đình bao giờ cũng yêu thương cha mẹ, sống hòa
thuận với anh chị em, lo lắng chăm sóc cha mẹ, ông bà khi ốm đau và tuổi già,
Dạy con cái trong gia đình cũng dày công lắm, Ngoài việc giáo dục bằng lời nói
dạy bảo, khuyên răn, kể chuyện cổ tích, chuyện dân gian, cha mẹ, ông bà, anh
chị phải lấy hành động của mình làm gương hiếu thảo, hòa thuận, thương yêu
nhau, kính trên nhường dưới, để con cháu noi theo và thường phải luôn luôn nhất
trí trong cách giáo dục con cháu.
Khi con cái đến tuổi đi học, cha mẹ dạy con cách đối xử với mọi người,
kính trọng, lễ phép với thầy giáo, mến bạn, giúp bạn, thậm chí cả cách chọn bạn
mà chơi. Cha mẹ dạy con chăm học, có giờ giấc trong việc học, giữ gìn sách vở,
phải trung thực trong học hành thi cử.
Khi con cái đến tuổi trưởng thành, cha mẹ thường bày cho con cách chọn
bạn đời, kinh nghiệm đời sống vợ chồng... Khi con sinh cháu, dù vẫn ở chung với
cha mẹ hay ở gia đình riêng, thì cha mẹ trở thành ông bà, là thời kỳ ông bà
phải sống mẫu mực để vừa làm gương cho con, vừa dạy bảo các cháu.
Đối với gia đình có học, nhất là những gia đình khoa bảng như ở các làng
Bách Cốc, Phong Vinh, Nguyệt Mại, Cao Phương, An Thái, Cựu Hào, Vĩnh Lại. thì
việc giáo dục con cái trong gia đình rất cẩn thận, nhiều gia đình có bản di
huấn hoặc những bài gia huấn ca để giáo dục con. Các bản di huấn thường nhắc
nhở con cháu phải cần kiệm, phải kiên nhẫn, phải công tâm, coi đó là phép
"tề gia" muôn thuở. Bài gia huấn của cụ nghè làng Si Phạm Đình Kính
cũng được rất nhiều người hâm mộ, lấy đó làm điều răn dạy cho con cháu. Cụ nghè
Kính nhắc nhở con cháu phải nhớ rằng xưa kia gia đình nghèo khổ, phải nhờ bên
ngoại giúp đỡ, nay được làm quan phải nhớ mà thương yêu, giúp đỡ dân nghèo, như
thế mới phải đạo làm người.
Các gia đình còn quan tâm đến việc rèn luyện trí thông minh, óc quan sát
nhanh nhạy, tính toán mau lẹ của trẻ qua từng lúa tuổi. Những câu đố cha mẹ,
anh chị, ông bà đưa ra đố con cháu là hình thức linh hoạt, vui vẻ và bổ ích.
Chưa dạy chữ, gia đình vẫn có thể dạy con tính toán cho trẻ như trò chơi
"đánh chuyền" đã dạy cách đếm cho trẻ, kể cả tính nhẩm, tính cộng
trừ, từ "chuyền chuyền 1", "chuyền chuyền 2" đến "chuyền chuyền 10%. Hay trò chơi “ô
ăn quan" dạy phép tính nhẩm về cộng trừ, phép chia cho con trẻ, quan sát
ngược xuôi để trì liệu cách đi, cách rải quân là hình thức động não, Hoàn toàn
tự lực, Có nhiều trò chơi trong gia đình cũng giúp con em rèn luyện thân thể,
ngay như trò chơi đánh chuyền "nông lấy một, chộp lấy đôi, sang tay qua,
ra tay chống... cũng là cách rèn luyện đôi tay khỏe, nhanh nhẹn, rèn luyện gân
cốt cho các em, đồng thời luyện mắt tinh anh, lanh lợi.
Ngay trong các tộc phả của dòng họ, phần mở đầu thường có nói đến đạo đức
gia đình, dòng họ để răn dạy con cháu trong dòng họ, Trong bài tựa của tộc phả
họ Trần Văn ở Cao Phương hay họ Vũ làng An Cự có nhiều lời khuyên con
cháu rất thiết thực: phải đọc gia phả, biết lai lịch tổ tiên, do đó mà biết
được công đức của tổ tiên, phải cúng lễ Tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất, không
phải chỉ để cầu mong sự phù hộ trong cuộc sống mà cái chính là để nhớ công đức
của tổ tiên, học tập tổ tiên, luôn vun trồng, bồi đắp công đức cho gia đình, dòng
họ, luôn phải làm rạng danh tiên tổ và đừng làm những việc xấu xa, làm hại đến
thanh danh tiên tổ và thiệt đến thân mình.
Có những gia đình giáo dục con cháu đời này qua đời khác làm việc có đạo
đức, có lễ độ, tạo thành tập quán, phong tục, lề thói tốt mang đạo lý làm
người, thường được dân tôn trọng gọi là con nhà "gia giáo". Cũng có
gia đình luôn dạy con cháu làm một nghề gì thật có ích, mang tính cha truyền
con nối, như họ Nguyễn tại Cựu Hào các gia đình đều cho con học hành đến nơi đến
chốn, nhưng khuyên con cái và hướng con cái theo hai nghề đặc biệt là nghề dạy
học và nghề làm thuốc chữa bệnh cứu người, có làm quan sau khi đỗ đạt cũng chỉ
làm học quan để dạy học và y quan để chữa bệnh, cứu người.
Rõ ràng việc giáo dục gia đình đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp cho
nhiều thế hệ sau. Việc giáo dục trong gia đình nếu được quan tâm sâu sắc, có
thể tạo nên truyền thống tốt đẹp cho gia đình và dòng họ về phẩm hạnh đạo đức,
về nghề nghiệp gia truyền, làm cho gia đình có thanh thế trong xã hội và quan
trọng là giáo dục cho con cháu trong gia đình tiếp tục học tập và kế tục sự
nghiệp cao đẹp của tổ tiên. Việc đó chính là làm rạng danh cho gia đình và dòng
họ.
Nói tóm lại, giáo dục trong gia đình là một môi trường, một yếu tố quan
trọng trong nền giáo dục của một cộng đồng dân tộc, một nhân tố quan trọng để
hình thành nhân cách con người. Ngay cả khi có tổ chức trường học của Nhà nước,
thì giáo dục gia đình vẫn giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu được. Nền
giáo dục gia đình thật là đặc biệt. Trường học là gia đình, cuộc sống xã hội và
quá trình lao động của bản thân thành viên trong gia đình, Thầy giáo là ông bà,
cha mẹ, anh chị trong gia đình, có thể thêm là cô dì, chú bác, cậu mợ liên quan
đến gia đình. Nội dung giáo dục gia đình có yêu cầu cơ bản là bồi dưỡng đạo lý
làm người, là lẽ sống của con người. Người cha, người mẹ nào cũng vậy, dù có
trình độ học vấn hay không, khi sinh con ra đều muốn hướng cho con cái mình đến
một mục tiêu, lý tưởng sống đúng đắn của một một con người. Hầu như ai cũng nói câu cửa miệng khi nghĩ đến việc nuôi dưỡng con cái, muốn "Dạy cho con nên người".
Trong thôn xóm, người ta thường gọi những gia đình bảo ban được nhau,
sống hòa thuận, làm ăn phát đạt, có tình nghĩa, ứng xử lễ phép. là những nhà
"gia giáo", được nhân dân kính trọng, thường nhắc nhở con cháu học
tập, noi gương. Tất nhiên, trong chế độ phong kiến, phải tiếp thu lễ giáo phong
kiến của đạo Nho, thì sự giáo dục gia đình cũng có nhiều hạn chế, cứng nhắc,
nhiều khi khắc nghiệt đối với con cái, nhất là đối với con cái ở độ tuổi trưởng
thành.
Trong xã hội dân chủ ngày nay, việc giáo dục có nhiều tiến bộ, giáo dục
gia đình được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi là một trong ba môi trường quan
trọng của nền giáo dục. Tuy nhiên, thời buổi kinh tế thị trường, nền công
nghiệp hiện đại phát triển, cũng cần có sự tiếp biến việc giáo dục gia đình cho
phù hợp với sự tiến bộ chung của xã hội./.
Phòng VHTT sưu tầm, soạn và giới thiệu
Theo Địa chí Văn hóa huyện Vụ Bản