Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh)
tọa lạc trên địa bàn hai thôn Tiên Hương và Vân Cát thuộc xã Kim Thái,
huyện Vụ Bản, cách trung trung tâm thành phố Nam Định khoảng 15km về
hướng Tây Nam. Đây là di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa xếp hạng quốc gia theo quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21 tháng 02 năm 1975.
Phủ
Dầy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thần đứng đầu trong hệ thống tín
ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) của người Việt, đồng thời cũng là một
trong “Tứ bất tử” của thần
điện Việt Nam. Bà được các triều đại phong kiến từ thời Lê đến thời
Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong tôn làm “Mẫu nghi thiên hạ” (Mẹ của muôn
dân) với các duệ hiệu: Mã Vàng Bồ tát, Chế Thắng Hòa Diệu đại vương.
Hầu hết các làng xã và đô thị ở nước ta đều có đền, chùa, phủ thờ Mẫu
Liễu Hạnh rất tôn nghiêm. Trong đó, di tích Phủ Dầy từ lâu đã được coi
là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) của người Việt.
Căn
cứ vào sử sách và các công trình nghiên cứu khoa học cùng truyền thuyết
dân gian về sự tích của Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì di tích Phủ Dầy được
xây dựng trên mảnh đất quê hương nơi Mẫu giáng sinh lần thứ hai. Theo nội dung văn bia “Tiên từ phả ký” (Ngọc phả ghi chép việc đền Tiên Hương), “Thánh mẫu cố trạch linh từ bi ký”(Bia ghi việc nền móng cũ đền thiêng của Đức thánh Mẫu) hiện
đang lưu giữ tại di tích thì Phủ Dầy (gồm Phủ Tiên Hương và Phủ Vân
Cát) có lịch sử xây dựng sớm nhất vào thời Hậu Lê, niên hiệu Dương Hoà
(1642) và Cảnh Trị (1663-1671). Công trình ban đầu chỉ là một ngôi miếu
nhỏ được nhân dân địa phương xây dựng để phụng thờ và tri ân công đức
Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trải qua các giai đoạn lịch sử, chính quyền, nhân
dân và du khách thập phương công đức tiền của, công sức để trùng tu, xây
dựng Phủ Dầy thành một quần thể kiến trúc thờ Mẫu khang trang, bề thế
như hiện nay.
Phủ Tiên Hương được xây dựng trong một khuôn viên rộng gần 7500m2,
mặt quay hướng Tây Nam. Trên mặt bằng tổng thể, công trình gồm 19 toà
với 81 gian lớn nhỏ, cao thấp khác nhau được bố trí đăng đối, hài hòa
tạo thành bình đồ kiến trúc kiểu “Nội trùng thềm, ngoại chữ quốc”. Nhìn từ bên ngoài vào, đầu tiên là một giếng tròn mang ý nghĩa “Tụ thủy để tụ phúc”,
tiếp đến là 3 tòa phương đình, hồ bán nguyệt và công trình chính. Hai
bên công trình chính là 2 giải vũ chạy suốt nối liền lầu Cô, lầu Cậu với
nhà bia, nhà khách.
Công trình chính có bốn cung thờ
gồm: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Các cung thờ đều có bộ khung được
lắp dựng bằng gỗ lim, thiết kế theo lối trùng thiềm điệp ốc, tạo cho
không gian nơi thờ tự rộng phía ngoài
và sâu hút phía trong. Trong số 4 cung thờ thì cung đệ tứ là hạng mục
công trình có giá trị nghệ thuật cao nhất. Tại đây, trên hệ thống vì
kèo, xà ngang, xà dọc, ván bưng các cấu kiện kiến trúc được các nghệ
nhân gia công, chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ với nhiều đề tài, họa tiết sinh động như: tứ linh, tứ quý, cá hóa long, bánh xe pháp luân, cặp tiền “ngũ phúc”, dơi ngậm chữ “thọ”, nghê chầu, lưỡng đào, sen quy... mang giá trị nghệ thuật thời Nguyễn, thế kỷ XIX - XX.
Phủ Vân Cát nằm cách Phủ Tiên Hương khoảng 1km về hướng Đông, được xây dựng trên một khu đất rộng gần 3600m2, mặt quay về hướng Tây Bắc. Công trình gồm 7 tòa với 30 gian lớn nhỏ cũng được thiết kế tương tự phủ Thiên Hương theo kiểu “Nội trùng thềm, ngoại chữ quốc”.
Trên mặt bằng tổng thể, nhìn từ ngoài vào, đầu tiên là hồ bán nguyệt,
giữa hồ là tòa thủy đình 3 gian được lắp dựng hoàn toàn bằng gỗ lim.
Tiếp đến là hệ thống nghi môn (ngũ môn) thiết kế theo kiểu chồng diêm 3
tầng, 5 gác lâu và công trình chính.
Công
trình chính cũng được thiết kế gồm 4 cung: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ
tứ. Phần giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật được thể hiện rõ nét nhất
trên các cấu kiện kiến trúc gỗ của cung đệ tứ. Tại đây, các nghệ nhân đã
dồn toàn bộ tài trí, công
sức chạm khắc nên những tác phẩm nghệ thuật hết sức phong phú, đa dạng
với các họa tiết long hóa, rồng chầu phượng múa đan xen là bầy ly vui
đùa cùng những chú rùa ẩn hiện dưới ao sen... mang phong cách kiến trúc
nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII.
Lăng Mẫu Liễu Hạnh được xây dựng vào năm 1938, trên một khu đất cao có diện tích rộng 1647m2. Lăng xây hoàn toàn bằng chất liệu đá xanh, gồm nhiều vòng tường hình vuông. Chính giữa các vòng tường đều có cửa được cấu tạo bởi 2 cột trụ, phía trên đỉnh trụ có đặt một bông sen đá màu hồng. Giữa lăng là ngôi mộ khối bát giác, mỗi cạnh rộng 1,3m. Tổng thể công trình lăng có 60 trụ tương ứng với 60 búp sen trông xa như một hồ sen cạn.
Công trình kiến trúc Phủ Dầy, kể từ khi khởi dựng đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng quy mô nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn những giá trị kiến trúc mang
đậm dấu ấn nghệ thuật thời Lê - Nguyễn. Với cách tính toán hợp lý, khoa
học về quy mô, kết cấu kiến trúc đến việc kết hợp, sử dụng tài tình các
vật liệu xây dựng, cha ông ta đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vô
cùng độc đáo và hoàn mỹ. Cả ba di tích phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và
lăng Mẫu Liễu Hạnh, không chỉ có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học mà còn có giá trị về thẩm mỹ, kiến trúc nghệ thuật.
Ngoài vị trí toạ lạc trong cảnh quan sơn thủy hữu tình, các di tích này
đều có quy mô bề thế, kết cấu đăng đối, hài hoà, cùng với giá trị nghệ
thuật đặc sắc thông qua các đề tài điêu khắc phong phú, đa dạng. Tất cả
những yếu tố đó đã trở thành hạt nhân quan trọng cấu thành một quần thể
kiến trúc, một “siêu điện thờ” nổi tiếng không chỉ của Nam Định, mà còn tiêu biểu của cả nước.
Bên cạnh đó, hệ thống di vật, cổ vật và đồ thờ tự như: văn bia, sắc
phong, câu đối, đại tự…cùng truyền thuyết về Thánh mẫu Liễu Hạnh là những
nguồn tư liệu phong phú và quý báu giúp các nhà nghiên cứu khoa học
trên nhiều lĩnh vực lý giải và nhận diện giá trị to lớn của các di tích
này đối với hệ thống di sản văn hoá của dân tộc qua các thời đại.
Phủ Dầy là nơi hội tụ những giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc, trong đó “Lễ hội Phủ Dầy”, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đặc biệt “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh trong Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong số nhiều ngày lễ diễn ra trong năm, Lễ hội Phủ Dầy tổ chức từ ngày mồng 3 đến ngày mồng 8 tháng 3 âm lịch được coi là kỳ lễ quan trọng nhất. Đây là kỳ lễ hội tích
hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Nữ thần (Mẫu) và văn
hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Trong lễ hội có nhiều nghi lễ và sinh hoạt văn hoá đặc sắc được tổ chức như: nghi lễ chầu văn hầu đồng, rước thỉnh kinh, rước đuốc, hội hoa trượng (hội kéo chữ), múa rồng, đấu vật, cờ người, chơi cờ đèn dưới nước…thu hút được sự tham gia của nhiều
tầng lớp nhân dân, nhiều thành phần xã hội, đặc biệt là các tín đồ của
tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo. Điều đó phản ánh sự dung hòa giữa các
tín ngưỡng, tôn giáo, đây chính là “sợi dây” gắn kết cộng đồng, hướng con người tới những giá trị: Chân - Thiện - Mỹ. Trải qua nhiều thế hệ, các giá trị truyền thống đó đã được bồi đắp, kết tinh, hội tụ
và lan tỏa rộng khắp các vùng miền trên cả nước, trở thành điểm đến hấp
dẫn về du lịch tâm linh đối với cả du khách trong nước và quốc tế.
Lê Quỳnh Nga
Phó phòng Nghiệp vụ Di tích
Một số hình ảnh về Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy:
Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Phủ Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Lăng Mẫu Liễu Hạnh, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Nghi lễ rước thỉnh kinh trong Lễ hội Phủ, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Thi hát Chầu văn trong Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Hội hoa trượng trong Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định