KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thành Lợi chuẩn bị chu đáo cho Lễ đón Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình làng Kĩa
Lượt xem: 933

Ngày 15/12/2022, Đình làng Kĩa thuộc xóm Đồng Giang, xã Thành Lợi được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ký Quyết định số 2349/QĐ- UBND về việc xếp hạng và cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Để tôn vinh các giá trị văn hóa, đồng thời nhắc nhở, đề cao trách nhiệm của các thế hệ hôm nay đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của ông cha ta, trong những ngày này, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cấp ủy, Ban công tác mặt trận, các đoàn thể và Nhân dân xóm Đồng Giang đang tập trung chuẩn bị các điều kiện cho Lễ đón Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình làng Kĩa.

 

anh tin bai
 
Đình làng Kĩa – xã Thành Lợi

 

Đình làng Kĩa, xã Thành Lợi là một công trình tín ngưỡng được xây dựng vào thời Hậu Lê, có diện tích rộng 500m2, mặt quay về hướng Tây Nam, gồm các hạng mục, như nghi môn và đình làng, được bố trí một cách hợp lý tạo cảnh quan vừa thoáng đãng, vừa cổ kính. Đây là công trình kiến trúc được xây dựng mang đậm phong cách cổ, có giá trị cao về mặt mỹ thuật, kiến trúc. Trong đó, Nghi môn được thiết kế theo kiểu “tứ trụ”, tạo thành bức bình phong ở giữa và hai cổng hai bên để tạo lối đi vào bên trong di tích. Đình làng có kiến trúc kiểu chữ tam gồm: tiền đường, trung đường và hậu cung, mái lợp ngói nam. Tòa tiền đường có kích thước dài 14,20m, rộng 6,05m chia thành 5 gian. Bộ cửa tiền đường được gia công theo kiểu bức bàn, khung khách chạy suốt ba gian giữa. Vì nóc gia công theo kiểu “câu đầu, chồng rường, giá chiêng”. Các cấu kiện còn được chạm khắc họa tiết hoa lá mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Tòa trung đường có kích thước dài 7,10m, rộng 5,45m, được chia làm 3 gian; Bộ khung tòa trung đường được lắp dựng bằng gỗ lim, các bộ vì làm theo kiểu “câu đầu, ván mê, trốn cột cái phía trước”.Hậu cung được thiết kế theo kiểu “tiền đao hậu đốc”. Nổi bật ở gian Hậu cung là cánh cửa ở khoang cửa hai bên, với nghệ thuật chạm nổi, chạm bong, các nghệ nhân đã tạo hình theo đề tài rồng chầu. Toàn bộ họa tiết trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII. Tòa hậu cung là nơi đặt ngai và tượng thờ 3 vị: Đông Hải đại vương Đoàn Thượng, Tây Hải đại vương và Bắc Nhạc đại vương. Đây là các vị thần đã có công giúp dân, giúp vua đánh giặc giữ nước và được Nhân dân thờ cúng tôn thờ với vai trò là thành hoàng làng. 

 

anh tin bai

 

Các tuyến đường hướng về khu vực lễ hội được trang trí rục rỡ

 

          Ngoài giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đình làng Kĩa còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị tiêu biểu, minh chứng cho quá trình hình thành và khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đình, như Câu đối treo ở gian giữa trung đường, được làm vào triều vua Thành Thái, năm Ất Mùi (1895); Ngai và mũ thờ tại gian ngoài hậu cung của đình còn lưu giữ ba cỗ ngai và mũ thờ niên đại thời Nguyễn, thế kỷ XIX; Tượng thờ tại hậu cung. Trải qua từng giai đoạn lịch sử, ngôi đình đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần và mới đây nhất vào đầu năm 2023, Đình làng Kĩa được trùng tu một số hạng mục bằng nguồn xã hội hóa, với tổng giá trị trên 350 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân địa phương.

 

anh tin bai
 
Nhân dân đang chuẩn bị các điều kiện cho lễ đón Bằng di tích cấp tỉnh

 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đình làng Kĩa, xóm Đồng Giang, xã Thành Lợi đã song hành cùng các phong trào cách mạng, là nơi tổ chức nhiều lớp học cho Nhân dân trong làng, là cơ sở hoạt động cách mạng, dân quân du kích địa phương bí mật bàn kế hoạch chống địch càn quét khủng bố và cũng là nơi đưa tiễn con em trong xã lên đường tòng quân đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, Đình làng Kĩa là nơi tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Ngày nay, Đình làng là nơi thực hành văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân, là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của xóm, của xã. Đây cũng là chứng cứ lịch sử khẳng định giá trị của di tích góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân địa phương. Với giá trị văn hóa, lịch sử như vậy, Đình làng Kĩa, xã Thành Lợi đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 

anh tin bai

 

Nghi môn trước cửa đình vừa được trùng tu lại

 

Theo báo cáo, lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình làng Kĩa, xóm Đồng Giang, xã Thành Lợi sẽ được tổ chức vào ngày 29/5, tức ngày 11/4 âm lịch, đây cũng là ngày kỵ của Đông Hải đại Vương Đoàn Thượng. Để lễ đón bằng diễn ra trang trọng, ý nghĩa, UBND xã Thành Lợi đã thành lập Ban tổ chức và huy động sự đóng góp ủng hộ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, con em xa quê và Nhân dân chung tay góp sức trùng tu ngôi Đình làng và tổ chức thành công Lễ đón bằng. Trong đó, tuyên truyền cổ động trực quan như: chăng treo cờ hội, cờ Tổ quốc, băng zôn tuyên truyền trên các tuyến đường dẫn vào khu vực Lễ hội được triển khai từ nhiều ngày nay. Nhờ vậy, hiện các tuyến đường hướng về khu vực Đình làng – nơi diễn ra lễ đón bằng được trang trí lộng lẫy, với đủ sắc màu tươi vui của cờ Tổ quốc, cờ hội. Ngoài ra, Ban tổ chức lễ đón bằng xã đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên chịu trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các hoạt động trong buổi lễ, như phân công cho chi hội người cao tuổi trong xóm chuẩn bị phần lễ; chi đoàn thanh niên chuẩn bị các điều kiện tổ chức các trò chơi dân gian, như đấu vật, bịt mắt bắt vịt trên sông, cầu kiều; chi hội phụ nữ chuẩn bị các tiết mục văn nghệ chào mừng và làm tốt công tác vệ sinh môi trường trước, trong thời gian diễn ra buổi lễ...

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho Lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa Đình làng Kĩa, xã Thành Lợi đang được triển khai tích cực, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan các tuyến đường ra, vào khu vực tổ chức buổi Lễ; các phương án đảm bảo an ninh, trật tự; phòng, chống cháy nổ đã được triển khai đồng bộ. Nhân dân vui mừng, phấn khởi chờ đón sự kiện trọng đại của quê hương.

P/v: Hải Vân – Trung tâm VH – TT&TT huyện