KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nhân dân thôn An Lễ, xã Liên Minh phát huy truyền thống đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 962

Những ngày này, về thôn An Lễ, xã Liên Minh như một công trường, với một không khí lao động tấp nập của các loại máy móc, của những người thợ xây, thợ nề đang chăm chỉ làm việc, để tạo nên những công trình cho hôm nay và mai sau.

Thôn An Lễ, xã Liên Minh cũng như nhiều làng quê khác trong cả nước xưa kia là một làng kháng chiến và được coi là một vành đai trắng của Bốp Cầu Chuối trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong đó, Miếu Cây Sộp là một trong những địa danh đã giúp quân ta nhiều lần đánh thắng địch, khiến giặc “kinh hồn bạt vía” và là một minh chứng lịch sử còn tồn tại đến ngày nay. Theo các cụ cao tuổi trong làng: vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1947 – 1954, hầu hết đình, chùa, miếu mạo và nhà cửa của Nhân dân đều bị giặc đốt phá. Thế nhưng trải qua hàng chục trận càn vào làng An Lễ, Miếu Cây Sộp vẫn không hề hấn gì và trở thành biểu tượng sống, là một trong những địa danh hoạt động của dân quân du kích. Chính từ những chiến công này mà dân làng An Lễ đã góp phần cùng với dân quân, du kích xã Liên Minh tổ chức thành công hàng trăm trận đánh. Đến chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Nhân dân thôn An lễ tích cực lao động sản xuất, chi viện cho Miền Nam. Thanh niên trong thôn hăng lái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, thôn An Lễ có 3 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 27 người là liệt sỹ, 5 thương binh và 5 gia đình có công với cách mạng.

 

Công trình Chùa thôn An Lễ, xã liên Minh

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bức tranh làng quê thôn An lễ, xã Liên Minh hôm nay đã mang một gam màu tươi sáng. Thôn An Lễ có 125 hộ dân với 370 nhân khẩu. Những năm qua, Nhân dân trong thôn luôn đoàn kết, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, người dân trong thôn luôn năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm; số hộ nghèo đa chiểu giảm chỉ còn 0,8%; đa số lao động trong thôn đều có việc làm và thu nhập ổn định, các hộ dân có kinh tế khá giả, con em được học tập trưởng thành. An ninh thôn xóm ổn định. 96% số hộ trong thôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Thôn An Lễ đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh năm 2003. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân, Chi bộ, Ban công tác mặt trận thôn đã huy động được nhiều nguồn lực và sự đóng góp của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu trong việc hiến đất làm đường, góp sức nâng cấp, mở rộng các tuyến đường dong ngõ, nhà văn hóa thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân trong thôn luôn chấp hành nghiêm các quy định và tích cực tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo môi trường an toàn cho người dân yên tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh công trình làm đường, cải tạo ao thôn An Lễ, xã Liên Minh

 Hướng đến mục tiêu đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vừa qua, chi bộ đảng, Ban công tác mặt trận và các ngành, đoàn thể thôn An Lễ đã tổ chức họp bàn và thống nhất triển khai xây dựng các hạng mục công trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bao gồm mở rộng đường trục thôn và cải tạo khuôn viên thôn, trùng tu chùa. Trong đó, công trình trùng tu chùa có diện tích khoảng 2.700m2, bao gồm xây mới nhà tam bảo, nhà thờ mẫu, nhà khách, tháp chuông, bệ tượng phật Quan âm Bồ tát, cổng, tường bao, với tổng giá trị đầu tư gần 10 tỷ đồng. Công trình làm đường và cải tạo khuôn viên thôn, bao gồm mở rộng hai tuyến đường trục thôn có tổng chiều dài khoảng 320m, xây kè ao làng, làm hệ thống rãnh thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, bồn hoa, cây xanh và xây dựng 2 cầu đá bắc qua ao nối liền các nhóm dân cư trong thôn, với tổng giá trị đầu tư gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, thôn An Lễ còn đầu tư phục dựng lại 2 giếng làng cổ.

Hệ thống thoát nước của thôn An Lễ, xã Liên Minh

Hiện nay, các hạng mục công trình đã và đang được các nhà thầu tập trung thi công, trong đó có một số hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thành, như công trình xây dựng giếng làng, xây chùa. Để có được kết quả này, Ban Chi ủy thôn đã tập trung lãnh đạo các ngành, đoàn thể tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động để Nhân dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của các công trình, từ đó tạo sự đồng thuận trong việc huy động đóng góp và kêu gọi sự hỗ trợ của con em xa quê. Ban công tác mặt trận thôn đã phát huy tốt vai trò nòng cốt tập hợp nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng thôn xóm văn minh hiện đại. Nhờ vậy, ngoài việc đóng góp 200 nghìn đồng/ khẩu theo qui định, các hộ dân trong thôn còn tự nguyện đóng góp thêm để xây dựng các công trình và kêu gọi con em xa quê ủng hộ. Theo báo cáo của đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng Ban công tác mặt trận thôn An lễ, đến nay, bà con trong thôn đóng góp được 650 triệu để làm đường và cải tạo khuôn viên; đồng thời kêu gọi con em xa quê ủng hộ được hàng tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp của anh Hoàng Mạnh Huê, con trai ông Hoàng Huy Huệ và anh Phạm Văn Thanh con trai của ông Phạm Thanh Kỷ đang làm việc và sinh sống ở xa quê đã công đức xây dựng chùa gần 10 tỷ đồng và hỗ trợ Nhân dân trong thôn hàng trăm triệu đồng để làm đường và cải tạo khuôn viên ao làng. Cùng với ủng hộ về tiền mặt, 80 hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến 1,7 mẫu ao thuộc diện tích đất giao dài hạn cho thôn mở rộng đường trục thôn và cải tạo khuôn viên xanh – sạch - đẹp.

Được biết, vừa qua, HĐND xã Liên Minh đã thông qua đề án sáp nhập thôn An Lễ với thôn Trung Nghĩa, với sự đồng thuận, nhất trí cao của Nhân dân 2 thôn. Tuy tới đây, sẽ sáp nhập và cái tên thôn An Lễ sẽ không còn nữa, nhưng cán bộ và Nhân dân trong thôn có quyền tự hào về những thành quả đạt được trong nhiều năm qua. Các công trình hiện hữu như nhà văn hóa thôn, chùa, giếng làng, đường giao thôn... là minh chứng cụ thể, nhắc nhở các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, đoàn kết, tiếp tục nỗ trong học tập, lao động, xây dựng làng kháng chiến xưa trở thành nông thôn mới kiểu mẫu hôm nay.

P/v: Hải Vân  - Trung tâm VH – TT&TT huyện.