KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Gương nông dân Trần Minh Thế “ bám đất, bám ruộng” vươn lên từ nghèo khó
Lượt xem: 113

        Trong khi một số hộ nông dân không mặn mà với đồng ruộng thì anh Trần Minh Thế, ở đội 9 xóm 3, xã Kim Thái đã không quản chân lấm, tay bùn, thu gom từng thửa ruộng bỏ hoang để cấy lúa hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vốn xuất thân trong gia đình nghèo khó, nhưng nhờ cần cù, nhạy bén trong lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao, kết hợp với làm dịch vụ nông nghiệp, nhờ đó mô hình kinh tế của gia đình anh đã và đang mang lại hiệu quả cao, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM ở địa phương.

 anh tin bai

Anh Trần Minh Thế - ở Đội 9 xóm 3, xã Kim Thái tham luận mô hình tích tụ ruộng đất của gia đình tại hội nghị trực tuyến triển khai sản xuất nông nghiệp vụ xuân năm 2022 và đánh giá triển khai các mô hình sản xuất NN có hiệu quả trên địa bàn huyện chiều ngày 23/11/2021

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Trần Minh Thế trong một ngày cuối năm 2021. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi là một nông dân hết sức bình dị, chất phác, anh Thế từ tốn kể về hành trình tích tụ ruộng đất, mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của mình.

Chia sẻ với chúng tôi anh tâm sự: Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp nên tôi gắn bó với cây lúa từ khi còn rất nhỏ. Năm 2013, khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, tôi dành thời gian tìm hiểu những mô hình cánh đồng lớn hiệu quả, đánh giá khả năng của gia đình trong việc đầu tư phát triển kinh tế và quyết tâm làm giàu từ cây lúa. Sau khi khảo sát trên địa bàn xã Kim Thái có nhiều diện tích ruộng kém hiệu quả, thậm chí bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm; diện tích này đa số đều do người dân đi làm công nhân, đi làm ở các tỉnh ngoài, không có lao động cho nông nghiệp. Phần vì tiếc đất, phần nhận thấy được việc sản xuất quy mô lớn sẽ cho giá trị cao hơn nên tôi đã đến từng hộ dân để trình bày nguyện vọng mượn lại ruộng để sản xuất. Lãnh đạo xã rất đồng tình, người dân cũng đồng ý. Mọi thủ tục về thuê mượn đất được chính quyền và người dân tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Vì ruộng đã bỏ hoang nhiều năm nên gia đình anh Thế phải bỏ ra khá nhiều thời gian để phá bờ thửa không cần thiết, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, củng cố lại bờ vùng, xử lý để diệt cỏ dại nhằm tạo thuận lợi cho đưa cơ giới vào sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Hàng tháng trời, người dân trong xã thấy gia đình anh nai lưng trên đồng ruộng đắp bờ, be thửa với quyết tâm bám ruộng làm giàu. Để tạo ra vùng sản xuất lớn, dễ tiêu thụ sản phẩm, anh quy hoạch thành nhiều vùng, sản xuất lúa thương phẩm theo hợp đồng liên kết ký với đơn vị thu mua. Tìm được đầu ra cho sản phẩm mới yên tâm, mạnh dạn đầu tư sản xuất. Đến nay, tổng diện tích ruộng của gia đình anh Thế lên đến trên 12 mẫu, chia thành 4 vùng, mỗi vùng rộng từ 1,5 mẫu đến 4 mẫu liền vùng, liền thửa rất thuận lợi trong việc sản xuất lúa, góp phần giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng lúa.

Chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu với ý tưởng tích tụ ruộng đất, anh Trần Minh Thế, ở Đội 9 xóm 3, xã Kim Thái cho biết: “Qua triển khai mô hình tích tụ ruộng đất, nhìn thấy bà con bỏ ruộng hoang hóa, mình thấy tiếc và đằng nào mình cũng một công ra tới đồng thăm nom đồng ruộng. Mình đã động viên vợ con, gia đình anh em tích tụ ruộng đất, làm việc với xã viên đồng tình nhất trí để cho mình sản xuất. Tuy nhiên, lúc đầu cũng gặp khó khăn cao là ruộng còn đang xen kẽ giữa nhà nọ với nhà kia, dẫn đến phương thức canh tác, phòng trừ sâu bệnh, chăm bón, đến khâu thu hoạch đều gặt khó khăn. Sau đó, chúng tôi dần dần chuyển đổi liền vào thành một mảnh, tối thiểu được từ một mẫu trở lên/ mảnh, dẫn đến hiệu quả cao, chính vì thế mà anh em làm càng ngày càng hăng say, tránh bỏ ruộng hoang hóa ở quê nhà”.

Dẫu gặp không ít khó khăn trong khoảng thời gian đầu khi bắt tay vào khai hoang sản xuất, nhưng với quyết tâm cao, có đất, có kinh nghiệm nên việc sản xuất của gia đình anh Thế mỗi ngày một thuận lợi. Đất không phụ công người, vụ lúa mùa đầu tiên là vụ xuân năm 2019, anh chỉ dám canh tác thí điểm 7 sào lúa giống ST 24 - đây là giống lúa thuộc nhóm gạo ngon nhất thế giới đã đem lại lợi nhuận khá cao, vì thị trường ưa chuộng nên thương lái thu mua giá cao và sau khi trừ các chi phí, tính ra mỗi công anh thu đã có lời trong vụ đầu tiên. Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất hiệu quả nên hầu như năm nào gia đình anh Thế cũng được mùa lúa cả 2 vụ, vụ xuân năng suất đạt từ 190-200 kg/sào, vụ mùa từ 200-205 kg/sào, mỗi năm anh thu về trên 40 tấn lúa. Sản xuất lúa chất lượng nên đầu ra sản phẩm của anh rất thuận lợi khi liên kết với công ty gạo sạch Toản Xuân tại xã Yên Lương, huyện Ý Yên; thương lái về tận chân ruộng thu mua. Năm nào được giá, anh xuất bán ngay sau khi thu hoạch, mỗi vụ anh đều thu về lợi nhuận trên 30 triệu đồng cho 12 mẫu đất của mình.

Trao đổi thêm với chúng tôi, anh Trần Minh Thế, ở Đội 9 xóm 3, xã Kim Thái cho biết: “Với phương châm tập trung tích tụ ruộng đất, mạnh dạn đưa giống lúa mới ST-24 vào sản xuất, chúng tôi đã đi tìm hiểu đầu vào, đầu ra để cân đối lượng thu chi. Hoạch toán ra năng suất ước tính bình quân đạt trên 2 tạ/sào và giá trị kinh tế cao hơn so với giống lúa Bắc Thơm phơi khô; mà đằng này chúng tôi không mất công phơi, chỉ gặt xong chở đi cân. Còn về bình quân một vụ anh em chúng tôi làm 6,5 mẫu chung, trừ đi chi phí thì còn từ 27 triệu đến 38 triệu đồng”.

 

anh tin bai

anh tin bai

Một số hình ảnh gieo trồng và thu hoạch giống lúa ST-24 của gia đình anh Trần Minh Thế

Đến vụ mùa năm 2021 là vụ thứ 6 gia đình anh sản xuất trên vùng đất tập trung gom lại được từ người dân, cánh đồng xóm 3 xã Kim Thái khi đang vào mùa thu hoạch, những ruộng lúa chín trải dài một màu vàng óng. Người biến những thửa ruộng bỏ hoang mọc đầy cỏ dại thành vựa lúa vàng này là anh Trần Minh Thế. Dẫu chưa thể gọi là “thẳng cánh cò bay”, nhưng những cánh đồng rộng nhiều mẫu đất nhờ gom, mượn ruộng đất của anh đã cho thấy hiệu quả từ việc tổ chức lại sản xuất thông qua tích tụ ruộng đất. Từ khát khao, hoài bão của những nông dân hai lúa như anh Thế, đất không chỉ đang đẻ ra tiền mà còn góp phần từng bước xóa diện tích đất bỏ hoang, thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển./.

T/h: Huyền Trang

( Trung tâm VH, TT & TT huyện)