KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tổng quan về Vụ Bản
Lượt xem: 13456
Một số nét cơ bản về vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa, đất và người Vụ Bản

GIỚI THIỆU VỀ HUYỆN VỤ BẢN

 Vị trí: Huyện Vụ Bản nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh; giáp 2 thành phố là: Nam Định và Ninh Bình, có mạng lưới giao thông vận tải thuận tiện với tuyến đường sắt Bắc Nam và các tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 21, Quốc lộ 37B, Quốc lộ 38B chạy qua; có không gian mở kết nối giữa hai thành phố Nam Định và Ninh Bình, trên tuyến hành lang cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Hải Phòng và các huyện phía Nam của tỉnh.

(Thị trấn Trung tâm của huyện Vụ Bản)

Diện tích: 152,81 km2  (Số liệu của Chi cục Thống kê huyện tại thời điểm tháng 12/2015)

Dân số: 130,763 người (Số liệu cập nhật đến thời điểm tháng 12/2015)

Các  đơn vị hành chính gồm: Thị trấn Gôi- huyện lỵ Trung tâm và 17 xã: Hiển Khánh, Minh Thuận, Tân Khánh, Hợp Hưng, Trung Thành, Quang Trung, Đại An, Kim Thái, Minh Tân, Tam Thanh, Liên Minh, Thành Lợi, Liên Bảo, Vĩnh Hào, Tân Thành, Cộng Hoà, Đại Thắng.

Lịch sử: Thời Hùng Vương, huyện Vụ Bản có tên là Bình Chương thuộc bộ Lục Hải, thời Hán thuộc quận Giao Chỉ. Trước thời Lý - Trần, đất này nằm trong huyện Hiển Khánh. Thời Lý, huyện Thiên Bản nằm trong phủ Ứng Phong; đời Trần huyện Thiên Bản thuộc phủ Kiến Hưng. Năm Vĩnh Lạc thứ năm nhà Minh (1407), đổi làm huyện Yên Bản thuộc phủ Kiến Bình. Năm Vĩnh Lạc thứ mười ba nhà Minh (1415), đổi huyện Độc Lập thành Bình Lập cho sáp nhập vào huyện Yên Bản. Đến đời Lê Thánh Tông lại đổi thành huyện Thiên Bản. Cũng dưới thời Lê Hồng Đức, huyện Thiên Bản thuộc phủ Nghĩa Hưng. Đến thời Nguyễn, Tự Đức năm thứ 14 (1861) đổi tên thành huyện Vụ Bản.

Đặc điểm: Huyện Vụ Bản thuộc vùng đất cổ, đất đai tương đối ổn định. Dọc phía tây huyện có các dãy núi đất lẫn đá chạy từ Bắc xuống Nam với sáu ngọn núi: Núi Ngăm, núi Tiên Hương, núi Báng, núi Lê, núi Gôi và núi Hổ. Dấu vết người nguyên thuỷ tìm thấy tại các khu vực núi này minh chứng Vụ Bản là một trong những cái nôi sinh ngụ của người Việt cổ. Vụ Bản nằm kẹp giữa sông Đào và sông Sắt. Sông Đào một đầu nối với Sông Hồng, đầu kia đổ ra sông Đáy. Sông Sắt nối liền sông Châu với sông Đáy. Mảnh đất này chính là do phù sa sông Hồng và sông Đáy bồi tụ nên. Đã từ lâu huyện Vụ Bản được nhiều người biết đến với Chợ Viềng xuân và Lễ hội Phủ Dầy.

(Lễ hội Phủ Dầy))

 

        Huyện Vụ Bản là vùng đất có truyền thống hiếu học, nhiều người đã đỗ đạt cao, có danh vọng, đóng góp vào kho tàng văn hoá của dân tộc. Trong suốt thời kỳ khoa cử của chế độ phong kiến Việt Nam, Vụ Bản có 16 vị đỗ Tiến sĩ, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên. Danh nhân tiêu biểu phải kể đến Trạng nguyên Lương Thế Vinh, là một nhà chính trị xuất sắc, đứng đầu viện hàn lâm đảm trách việc văn thư cho nhà vua, lo việc bang giao với nước ngoài, luận bàn việc nước. Ông từng tham gia dạy học, đặc biệt cũng rất quan tâm đến phát triển kinh tế, mở mang đường sá,...

(Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh)

Vụ Bản là một trong những cái nôi sinh ngụ của người Việt cổ, khí thiêng sông núi đã hình thành và hun đúc nên truyền thống quý báu của người dân nơi đây. Người dân Vụ Bản hiếu học, cần cù lao động, kiên cường dũng cảm chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm, thuỷ chung tình nghĩa trong cuộc sống có tinh thần tự lực tự cường và ý thức cộng đồng sâu sắc, luôn kế thừa và phát huy truyền thống cha ông, làm rạng danh quê hương, đất nước. Truyền thống đó như sợi chỉ đỏ nối liền quá khứ với hiện tại, tạo nên sức sống, trí tuệ, khí phách của người dân Vụ Bản. “Địa linh sinh nhân kiệt”, nơi đây đã sinh thành nhiều nhân vật nổi tiếng như Nhà sử học Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh, Thượng tướng Song Hào, Nhà thơ Nguyễn Bính, Nhạc sĩ Văn Cao, Giáo sư nông học Bùi Huy Đáp - người có công mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp: trồng lúa chiêm xuân,...

      Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và sự cố gắng nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, diện mạo kinh tế - xã hội huyện Vụ Bản đã có nhiều đổi mới trên mọi lĩnh vực. Với vị trí địa lý và mạng lưới giao thông đồng bộ là điều kiện thuận lợi để Vụ Bản phát triển các loại hình dịch vụ, vận tải hàng hoá và giao lưu kinh tế, văn hoá với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Vụ Bản có nguồn nhân lực dồi dào, người dân vốn có truyền thống anh hùng, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù chịu khó trong lao động sản xuất.

Đến cuối năm 2015, có trên 60 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 45% dân số, trong đó, số lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ gần 60% lực lượng lao động. Đây là tiềm năng to lớn, đáp ứng sức lao động cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của huyện; thế mạnh chủ yếu của nguồn lao động là cần cù, ham học và có tay nghề truyền thống khéo léo.

Hiện nay, về Nông nghiệp: Huyện Vụ Bản đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa đối với đất nông nghiệp; xây dựng xong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đang triển khai thực hiện trên địa bàn. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Từng bước triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (05/18 xã xây dựng là xã: Vĩnh Hào, Minh Tân, Liên Bảo, Đại Thắng, Trung Thành), gắn liền với cơ giới hóa trong nông nghiệp. Tiếp tục chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và nuôi trồng thuỷ sản. Tổng diện tích gieo trồng bình quân hàng năm 21.200 ha, trong đó diện tích cấy lúa 16.870 ha, diện tích giống lúa chất lượng cao 8.300 ha, chiếm 50% diện tích. Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 95.558 tấn. Giá trị 1 ha canh tác đạt 93,5 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,1%/năm. Về phát triển Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp: Đã xây dựng được 01 khu công nghiệp Bảo Minh, với diện tích 165ha, trong tương lai sẽ còn tiếp tục được mở rộng. Đến thời điểm tháng 9/2016, đã có 10 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký và đầu tư xây dựng xưởng sản xuất, tỷ lệ lấp đầy 80% diện tích, thu hút khoảng 8.500 công nhân vào làm việc cho thu nhập ổn định với mức lương đảm bảo đạt từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/tháng. 02 cụm Công nghiệp ở xã Quang Trung và xã Trung Thành, các nhà đầu tư đã từng bước đi vào sản xuất đem lại hiệu quả. Các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Giáo dục - Đào tạo tiếp tục phát triển; công tác y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ; các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, phát thanh, truyền thanh, bưu chính, viễn thông phát triển rộng khắp, góp phần tích cực, hiệu quả trong việc đưa thông tin về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ; về các phong trào thi đua, các điển hình tiên tiến…đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Những thành tựu trong phát triển kinh tế đã làm cho diện mạo quê hương Vụ Bản từng bước hướng tới văn minh, giàu đẹp, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

      Trong những năm tới, Vụ Bản sẽ tiếp tục phấn đấu vươn lên để có thể sớm trở thành một trong những huyện giàu mạnh, văn minh, vững vàng theo kịp tiến trình hội nhập kinh tế cùng cả nước, xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước trao tặng./.

TM. Ban biên tập Cổng TTĐT của huyện

Trưởng ban biên tập

Phó Chủ tịch UBND huyện

Đỗ Văn Kỳ