KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của huyện Vụ Bản
Lượt xem: 3592

Huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là huyện nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, với diện tích 128 km2, dân số gần 14 vạn, có 04 Quốc lộ và 01 đường sắt Bắc Nam chạy qua, về địa giới hành chính được chia thành 18 xã, thị trấn; người dân cơ bản là làm nông nghiệp.

- Về giao thương: Huyện Vụ Bản nằm ở phía Tây và giáp với thành phố Nam Định, có mạng lưới giao thông vận tải thuận tiện với tuyến đường sắt Bắc Nam và các tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 21, Quốc lộ 37B, Quốc lộ 38B chạy qua.

- Về tài nguyên đất: Huyện có 14.834 ha đất tự nhiên trong đó 10.729 ha đất trồng trọt. Đất đai tuy trũng nhưng bằng phẳng.

- Về nguồn nhân lực: Dân số gần 14 vạn người, do đó, nguồn lực lao động dồi dào. Đến cuối năm 2021, có gần 7 vạn người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng gần 50% dân số, đây là tiềm năng to lớn, đáp ứng sức lao động cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của huyện; thế mạnh chủ yếu của nguồn lao động là cần cù, ham học và có tay nghề truyền thống khéo léo.

Trong những năm vừa qua, UBND huyện Vụ Bản đã tập trung triển khai, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của huyện. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, đã cố gắng huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, tập trung cho các công trình trọng điểm, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, kinh tế - xã hội của huyện Vụ Bản cơ bản ổn định, một số ngành, lĩnh vực tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch.

1-Về sản xuất nông nghiệp: Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã quy hoạch 1.253 vùng sản xuất. Chuyển đổi 264 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây rau màu ... Đề án khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả; hình thành 46 mô hình có diện tích 02 ha trở lên, 07 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết”, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm 75% diện tích; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10% so với năm 2015. Làm tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật, thú y và chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ. Đầu tư, kiên cố hoá các công trình thuỷ lợi; đào đắp, nạo vét kênh mương; cơ giới hóa 95% các khâu trong sản xuất lúa. Tăng cường công tác quản lý đê điều, phòng chống lụt, bão. Các hoạt động dịch vụ nông nghiệp phát triển đa dạng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất. Nâng cao năng lực chỉ đạo sản xuất của Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn; đổi mới tổ chức, quản lý 35 HTX dịch vụ nông nghiệp theo luật định.

Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm từ 26,12% năm 2015 xuống còn 16,9% năm 2020. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 34% lên 40%, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 61% xuống 55%. Sản lượng lương thực giữ mức ổn định, bình quân đạt 96.480 tấn/năm; giá trị 1 ha canh tác đạt 102 triệu đồng/năm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 13.600 tấn (chỉ tiêu trên 13.000 tấn). Xuất hiện một số mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung, hiệu quả kinh tế cao như: Cá Trắm đen, cá Koi, Ba Ba…

Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2018 về trước 02 năm  so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020). Đến nay có 10/18 xã, thị trấn được Tỉnh thẩm tra, công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 thôn, xóm, tổ dân phố đạt NTM kiểu mẫu. Tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt trên 2.400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân tự nguyện đóng góp là gần 500 tỷ đồng; Nhân dân góp và hiến 298 ha đất và 148.000 ngày công lao động. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được nhiều nguồn lực, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng

Thực hiện có hiệu quả xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Triển khai xây dựng Cụm công nghiệp Thanh Côi, diện tích 50 ha. Khu công nghiệp Bảo Minh với quy mô 165 ha, tạo việc làm cho trên 14.000 lao động. Từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động các Cụm công nghiệp và các điểm sản xuất, kinh doanh dịch vụ hiện có trên địa bàn. Các khu, cụm công nghiệp, TTCN đã giải quyết việc làm cho  hơn 25.000 lao động, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Tập trung đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ bản hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị, nông thôn góp phần làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Triển khai xây dựng các khu, điểm dân cư tập trung gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị thông minh. Hạ tầng kỹ thuật ở nhiều khu vực nông thôn được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, nhất là hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc; các thiết chế văn hóa, thể thao …. Từng bước được nâng cao và thực hiện có hiệu quả. Tổng vốn đầu tư xây dựng từ 2016 - 2020 đạt 2.471,2 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đến năm 2020 đạt 5.886 tỷ đồng, tăng trung bình cả nhiệm kỳ 26,3%.

3. Hoạt động thương mại - dịch vụ

Dịch vụ, thương mại có những bước phát triển mới cả về quy mô, tốc độ và các loại hình, đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Số lượng khách du lịch tham gia các lễ hội truyền thống như lễ hội Phủ Dầy, chợ Viềng xuân và Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm tăng cả về số lượng du khách, chất lượng phục vụ. Các ngành thông tin, bưu chính, bảo hiểm, y tế… được quan tâm đầu tư hiện đại với nhiều loại hình dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân tốt hơn. Hệ thống cấp nước sạch, lưới điện được cải tạo, xây mới; mạng lưới viễn thông phủ sóng rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Hoạt động thương mại từng bước phát triển đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa phục vụ nhân dân. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ đến năm 2020 đạt 1.988 tỷ đồng, tăng trung bình cả nhiệm kỳ 16,2%.

4. Công tác tài nguyên và bảo vệ môi trường

Thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho nhân dân; cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đạt gần 60%. Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm; vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, góp đất làm các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo; kiên quyết xử lý các vụ vi phạm.

Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm chỉ đạo. Hoàn thành việc chuyển nguồn nước thô từ sông Đào cấp cho các nhà máy nước sạch, đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải; xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nguồn 18/18 xã, thị trấn. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường khu vực dân cư, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được tăng cường. 100% dân số dùng nước sạch; tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý đến năm 2020 đạt 94,4%.

5. Hoạt động kế hoạch, tài chính, tín dụng

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện từ năm 2015-2020 đạt 3.820 tỷ đồng, đạt 150% dự toán (trừ tiền cấp quyền sử dụng đất), tăng bình quân hàng năm 11% (trong đó thu nội địa 1.467 tỷ đồng, đạt 155% dự toán). Tổng chi ngân sách nhà nước 3.528 tỷ đồng, đạt 171% dự toán, tăng 10%/năm. Công tác điều hành tài chính - ngân sách đảm bảo kịp thời, đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Kho bạc nhà nước huyện thực hiện tốt kiểm soát chi ngân sách nhà nước trên địa bàn. Dư nợ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tăng 18%/năm, đến năm 2020 đạt 1.257 tỷ đồng, đạt 228% so với năm 2015. Dư nợ Ngân hàng chính sách xã hội tăng 1,69%/năm, đến năm 2020 đạt 184,771 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015. 

6. Sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo

Tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục đào tạo. Hoàn thành việc sáp nhập các trường Tiểu học trên cùng địa bàn một xã, thị trấn. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt chất lượng cao và vững chắc. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt 99-100%. Số học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT, thi đỗ vào Trường THPT Lê Hồng Phong trong tốp đầu của tỉnh. Chất lượng học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm đều tăng. 59/63 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 93,7%; (đến năm 2020 còn 04 trường mầm non chưa đạt chuẩn). Thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.

7. Phát triển khoa học công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị, góp phần phục vụ tốt yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử, làm chuyển biến mạnh mẽ lề lối và phương thức làm việc của cán bộ, công chức. Công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công.

8. Hoạt động văn hóa, thông tin và thể thao

Công tác thông tin, tuyên truyền ngày càng đa dạng, nhiều chiều, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trang Thông tin điện tử của huyện và các xã, thị trấn hoạt động có hiệu quả. Triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đến năm 2020 đã có: 100% số cơ quan đạt chuẩn nếp sống văn hóa; 98% số thôn, xóm đạt làng văn hóa; 98% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. 100% thôn xóm có Nhà văn hóa và bổ sung sửa đổi Hương ước thôn xóm theo chuẩn NTM; 02 xã được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới.

Quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; tổ chức tốt Đại hội TDTT lần thứ VIII. Công tác quản lý và tổ chức các lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là Lễ hội Phủ Dầy, Chợ Viềng Xuân. Nhiều lễ hội làng được phục dựng, phát triển theo hướng kết hợp truyền thống với hiện đại. “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; từ đó tiếp tục quảng bá, tôn vinh các giá trị đặc sắc của di sản văn hóa, hình ảnh vùng đất Thiên Bản giàu truyền thống văn hóa, cách mạng đến với Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

9. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

- Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã nhận định, đánh giá đây là dịch bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh ra cộng đồng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh và Huyện ủy; UBND huyện  đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, quán triệt sâu sắc quan điểm "chống dịch như chống giặc". Ngành Y tế, Công an, Quân đội là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo chuẩn bị chu đáo các điều kiện sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh phát sinh. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch của Nhân dân. Đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19 trong cộng đồng.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, giúp người dân bớt đi khó khăn, ổn định cuộc sống.

- Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả tốt, mạng lưới y tế cơ sở từng bước nâng cấp và hoàn thiện. Cơ sở vật chất của Trung tâm y tế huyện được tăng cường, quy mô 180 giường bệnh; đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế không ngừng được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và y đức. Thực hiện kỹ thuật “chạy thận nhân tạo”. Bảo hiểm y tế toàn dân đến 2020 đạt 92%. Giảm tỷ suất sinh bình quân hàng năm 0,1‰; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,75%/năm. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 11,38%. Trẻ em dưới 1 tuổi tiêm vắcxin đủ liều đạt 97,3%; 18/18 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

10. Công tác thực hiện chính sách xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm. Tạo việc làm mới cho 14.000 lao động, đạt 115%; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 95,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 65%. Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững được quan tâm thực hiện hiệu quả; đã chi gần 150 tỷ đồng cho công tác đảm bảo an sinh xã hội. Hỗ trợ làm 878 nhà ở, trị giá trên 25 tỷ; giải quyết 88.368 lượt người có công và thân nhân được hưởng các chính sách ưu đãi; điều dưỡng 8.000 lượt người có công; chi trả trợ cấp thường xuyên cho 4.200 đối tượng; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 22.100 người.100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2020 còn 0,97% (trong đó diện bảo trợ xã hội là 0,91%).

  11- ANCT&Trật tự ATXH, Quân sự-Quốc phòng: Được đảm bảo, đặc biệt, giữ vững ổn định tình hình chính trị phục vụ Đại hội Đảng các cấp. Thực hiện tốt công tác Quân sự quốc phòng địa phương, hoàn thành chỉ tiêu giao quân hàng năm tỷ lệ 100%.

Tin khác