KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Vũ Thiện Đễ (Thành Lợi-Vụ Bản)
Lượt xem: 955

Vũ Thiện Đễ sinh ngày 18 tháng 9 năm Giáp Dần (1854) trong một gia đình nhà nông nghèo khó ở xóm Vạn, làng Bách Cốc (nay thuộc xã Thành Lợi, Vụ Bản). Ông là con trai thứ ba của Vũ Thiện Bản, Chánh đội trưởng thủy vệ đội Nam Định, hy sinh trong trận đánh hải phỉ, tay sai của thực dân Pháp là Tạ Văn Phụng tại đảo Cát Bà, được phong Hiệu Trung Kỵ Uý. Ông nội là Vũ Bá Quý, làm Huấn đạo huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng. Lúc nhỏ học cha, lớn lên, Vũ Thiện Đễ học cụ Nghè Khiếu Năng Tĩnh. Nhà nghèo Vũ Thiện Đễ xem sách thuốc làm thuốc ra chợ bán lấy tiền ăn học. Năm Tân Mão (1891) đời vua Thành Thái, Vũ Thiện Đễ đậu Cử nhân, rồi năm sau (1892) đậu Phó bảng, được phong chức Tri huyện Thanh Hà (Hải Dương). Ông chỉnh đốn bộ máy quan chức trong huyện, theo lời tố cáo của dân trừng trị bọn cường hào, dẹp bọn phỉ đồ cướp phá dân, khiến dân trong hạt dần dần được yên ổn làm ăn. Triều đình thăng thưởng, Vũ Thiện Đễ được làm Tuần phủ Ninh Bình rồi Tuần phủ Hà Nam, lại kiêm Tham tri bộ Binh, trông coi việc dẹp bọn phỉ ở vùng Thanh Hoá, Hòa Bình sang quấy nhiễu, cướp phá Ninh Bình, Hà Nam. Ông còn có công dẹp bọn Thanh phỉ lén lút vào hoạt động đánh phá các huyện miền núi vùng Đồng Lư (Hà Nam).

Việc tạm yên, triều đình lại cử ông trông coi việc tu sửa đền Đinh - Lê ở Hoa Lư, xây lại đền Thái Vi, đền Hội Lâm, đền Nguyễn Minh Không ở Điền Xá, dựng lại chùa Non Nước. Ông lại kế tục việc khẩn hoang ở Kim Sơn, hỗ trợ hàng nghìn thùng thóc cứu đói cho Thanh Hóa. Tình hình biển đảo có nhiều khó khăn, triều đình lại điều ông đi chấn chỉnh vùng hải đảo như Trường Sa, Phú Quốc, Vân Đồn, Đến thăm Trường Sa, Vũ Thiện Đễ có bài thơ Vạn lý Trương Sa để ca ngợi cảnh sắc nơi đây:

Sa kỳ phong thuận khứ du tham

Tứ nhật lai thời kiến vụ lam

Thiệp thủy tầm cao chiêm bất tận

Sa Trường vạn lý bộ nan kham

Vãng lai canh hoán nhân hy thiểu

Nam nữ ngư hà võng tái tam

Vị mãn nhất tuần hồi cựu xứ

Thiên thu kỳ ngộ ký sơn am.

(Sa kỳ thuận gió ra khơi

Bốn ngày mới tới khắp nơi sương mờ

Đứng cao nhìn vẫn mịt mù

Bãi dài vạn dặm bao giờ xem xong

Lại qua, người tới không đông

Gái trai, tôm cá, lưới quăng chẳng nhiều

Chưa đầy tuần đã nhổ neo

Ngàn thu kỳ ngộ, nói sao hết lời!).

Dưới bài thơ, Vũ Thiện Đễ ghi chú: "Trên đảo này thường có tới hơn 50 người có trang bị vũ khí đóng quân ở đây liên tục, cứ ba tháng một phiên. Ở thời điểm đó, có một đội trưởng là Nguyễn Khắc Kiệm người ở Hà Tiên đang trực. Nghe nói ở Hoàng Sa cũng có người ở Quảng Ngãi ra lưới cá và một đội khoảng 30 người do triều đình phái ra canh giữ.

Khi làm quan, Vũ Thiện Đễ luôn tâm niệm lấy dân làm gốc. Ông đã cho soạn bộ tài liệu tiêu đề “Tự trị thông lệ thất điều" (Bảy điều lệ để tự trị) để hàng năm giáo huấn các quan chức và tổng lý các hạt trong địa bàn mình quản lý. Trong đó nhấn mạnh: Dân là gốc của nước, nên các quan và tổng lý phải quan tâm chăm sóc đời sống của dân, chú trọng:

- Khuyến khích dân cày cấy, mở rộng đất khai hoang, miễn phu thuế sưu dịch cho người cày trên mảnh đất ấy từ 3 - 7 năm. Gặp mất mùa ốm đau có thể kéo dài hơn.

- Mở trường học ở tổng, cho Tổng sư (thầy giáo dạy trường đó) được hưởng trợ cấp lúa đủ ăn cho cả gia đình. Học trò vì lý do gì không tựu trường, thì các tổng phải hỗ trợ giải quyết.

- Các tổng xã phải có điếm canh từ 4 - 6 điếm, không dung túng kẻ trộm cắp ẩn náu. Không tuỳ tiện đánh người khi bắt giữ.

- Nội bộ tổng xã không lợi dụng phát động công dịch trục lợi, nếu phát giác bị xử phạt gấp 2 đến 5 lần tiền thu được.

- Xây dựng kho thóc nghĩa thương để khuyến khích nhà giàu xây dựng đường đi lại thông suốt từ xã, tổng lên huyện, mỗi huyện có ít nhất 4 trạm thông tin.

- Quan huyện là quan phụ mẫu, phải giải quyết mọi việc dân khiếu kiện, không giải quyết được phải đưa lên tỉnh, không được vùi dập, im đi hoặc chậm trễ, sẽ theo mức độ khép tội thích đáng.

Trong hoàn cảnh luôn luôn chịu sự kìm chế, kiểm soát của bọn thực dân và triều đình bù nhìn, Vũ Thiện Đễ phải chịu áp lực "lưỡng đầu thụ địch" (hai đầu đều có địch) mà vẫn tìm cách khôn khéo chống đỡ để bảo toàn tính mạng, việc làm vẫn tốt lành cho dân. Thậm chí ông còn cho vợ thiếp vào Hương Khê làm tham quân cho nghĩa quân Phan Đình Phùng, cùng nghĩa quân Phan Đình Phùng phối hợp chặt chẽ trong việc chống phỉ ở Hà Nam và Ninh Bình.

Làm quan đầu tỉnh, ông thường xuyên đi thị sát tình hình các huyện, thấu hiểu nguyện vọng của dân. Ông đã cho tôn tạo 15 ngôi chùa Tứ Pháp, xây dựng lại đền Ngọc Nhai (Kim Bảng), khôi phục đền Lý Thường Kiệt, phát động khai hoang để nuôi quân như Lý Thường Kiệt thời Lý. Dân làng Đồng Lư quý trọng ông, lập sinh từ, tôn ông là Thành Hoàng.

Năm vừa tuổi 60, nghe lời khuyên của bạn hữu, phần vì sức yếu, ông cáo quan về trí sĩ tại quê nhà, làm nghề bốc thuốc, dạy học. Vua Duy Tân đã gia phong chức Tổng đốc Binh bộ Thị Lang và chức Điều hộ đại phu.

Ngày mồng 7 tháng 4 năm Bính Thìn (1916), Vũ Thiện Đễ mất tại quê nhà. Ông được gia phong là Linh ứng phúc thần.

Phòng VHTT sưu tầm,soạn và giới thiệu

Theo Địa chí Văn hóa huyện Vụ Bản