KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trịnh Thái phi Trần Thị Ngọc Đài
Lượt xem: 1866

Trần Thị Ngọc Đài sinh vào mùa thu năm Đinh Sửu (1577) trong một gia đình ở làng Thung Khê (xã Cộng Hòa). Cha là Trần Khải Tường là người Giáp Tư, Bảo Ngũ (xã Trung Thành), thích dân ca hát chèo, yêu một cô gái họ Phùng giỏi ca hát trong một phường hát ở làng Thung Khê, sau khi lấy nhau, ở rể làng Thung Khê. Sống trong một gia đình ca hát giỏi ở một phường hát nổi tiếng đất Thiên Bản lúc đó, nên Ngọc Đài sớm trở thành một kỹ nữ, hát hay, múa đẹp, thường theo phường hát Thung Khê đi hát nhiều nơi. Nàng yêu kép hát Lê Văn Hiển ở phường hát Bảo Ngũ, rồi lấy nhau, hai người thường đóng đào kép trong nhiều vở chèo và cùng nổi tiếng. Không may kép Hiền bị bạo bệnh mà mất ngay trong một buổi diễn chèo, rồi cha mẹ nàng cũng lần lượt qua đời, Nàng Ngọc Đài vẫn ở lại Bảo Ngũ, tham gia phường hát làng đó, Một hôm Tráng quận công Ngô Đình Nga về thăm quê ở Giáp Nhì Bảo Ngũ, Ông mời phường hát đến diễn trò mua vui cho quân sĩ và dân làng, Thấy Ngọc Đài hát hay múa giỏi mà số phận hẩm hiu, Tráng quận công đưa nàng về dinh, lấy làm thiếp, cho nàng dạy múa hát phục vụ trong quân doanh, Năm Canh Tý (1600), Tráng quận công Ngô Đình Nga tử trận trên sông Thiên Đức. Nàng Ngọc Đài lại trở về quê nhà, làm ruộng sinh con, đồng thời tiếp tục tham gia phường hát Bảo Ngũ.

Ba năm trôi qua, Ngọc Đài một mình cấy hái ở vậy nuôi con. Một hôm, Bình quận công Trịnh Tráng đánh giặc ở Sơn Nam, thắng trận trở về, nghỉ ở làng Bảo Ngũ. Thấy nàng Ngọc Đài xinh đẹp, lại vừa tài hoa, Trịnh Tráng muốn ngỏ ý đưa nàng về dinh. Ngọc Đài đến Phủ Dầy làng An Thái khấn xin Thánh mẫu Liễu Hạnh cho nàng được yên phận cùng Trịnh tướng quân và xin nguyện sẽ tôn vinh Mẫu Liễu, hứa sẽ mở mang Phủ Dầy làm nhiều chùa phủ, cầu cống để tạ ơn Mẫu.

Ngọc Đài về làm thiếp của Trịnh Tráng. Ba năm sau (1606) sinh con trai là Trịnh Tạc. Bình quận công mặc dù có nhiều con nhưng Trịnh Tạc là người thông minh, nhanh nhẹn nên được Quận công yêu quý hơn. Năm 1623, chúa Trịnh Tùng qua đời, Trịnh Tráng được tấn phong làm Tiết chế Thái uý Thanh Quốc công thay cha cầm quân diệt thế lực cuối cùng của nhà Mạc, ổn định đất nước. Vua Lê phong Trịnh Tráng là Nguyên soái Thống quốc chính Thanh Đô vương, Trần Thị Ngọc Đài được phong làm Vương phi. Năm 1617, Ngọc Đài về quê Bảo Ngũ, cho tôn tạo lại chùa Pháp Quang ở Giáp Nhì đến năm 1629 thì Hoàn thành. Chùa lợp ngói, có tam quan đẹp, phật đường 5 gian ruộng, phật điện cũng 5 gian rộng. Hai bên lại có hai dãy nhà 10 gian để đặt tượng Phật hình thành nên bình đồ kiến trúc nội công, ngoại quốc. Vương phi Ngọc Đài còn đúc tượng phật Thích Ca bằng vàng thật và tô lại hơn hai mươi tượng Phật bằng đồng và bằng gỗ. Khoảng năm Canh Ngọ đến năm Nhâm Dần (1630 - 1632) đê sông Hồng, sông Đáy bị vỡ. Kinh thành Thăng Long và vùng Sơn Nam Hạ cùng bị lụt nhưng dân phu Vụ Bản không được ở nhà đắp đê mà phải lên đắp đê sông Hồng ở Thăng Long. Được tin, Vương phi Ngọc Đài đã xin chúa Trịnh cho miễn phu dịch ở Thăng Long, lại cấp tiền gạo cho về quê nhà. Qua Phủ Dầy An Thái, dân phu mang thuổng cuốc vào lễ tạ Thánh Mẫu Liễu Hạnh theo lời dặn của Vương phi Ngọc Đài. Năm Dương Hòa thứ 8 (1642), sau khi cho lợp ngói Phủ Dầy, cử 10 phu trông coi Phủ, đúng ngày giỗ Thánh Mẫu, Vương phi về làm lễ tạ, đã bố trí dân phu thay thuổng cuốc bằng gậy hoa để xếp chữ, đó chính là khởi đầu cho lễ hội xếp chữ bằng gậy (Hoa Trượng hội), một trong những nghi thức long trọng nhất của lễ hội Phủ Dầy sau này.

Một năm, chúa Trịnh Tráng cùng Vương phi về thăm quê ngoại Bảo Ngũ, Thung Khê. Chúa Trịnh thấy hai làng có nhiều đô vật, đã lấy sung vào quân cấm vệ, sau này đều trở thành tướng lĩnh có tài. Bà lại khuyến khích cho tiền giúp dân Thung Khê đào mương dẫn nước thoát lũ, giúp dân Giáp Nhất Bảo Ngũ mở mang nghề rèn, dân Giáp Ba mở mang nghề dệt, dân Giáp Tư mở mang nghề trang kim vàng mã hoặc làm thợ kim Hoàn, Bà khuyến khích dân Giáp Nhì ven đường quan lộ mở cửa hàng buôn bán, làm nghề thủ công, mở chợ để giao lưu hàng hoá, Dân quý trọng bà đặt tên là chợ Trần" cũng chính là chợ Dần hiện nay. Năm 1657, chúa Trịnh Tráng qua đời, Trịnh Tạc lên thay, Ngọc Đài trở thành Thái phi. Để tạ ơn Mẫu Liễu, Thái phi xây dựng Phủ Thông nguy nga đồ sộ bên cạnh chùa Pháp Quang, đúc tượng thánh mẫu Liễu Hạnh để thờ. Hàng năm, hội Hoa Trượng đều phải rước kiệu lên xin chữ ở Phủ Thông. Năm 1669, Thái Phi Trần Thị Ngọc Đài qua đời. Chúa Trịnh Tạc cử Luân quận công Vũ Công Chấn (người làng An Cự cùng huyện) chỉ huy đoàn thuyền chở linh cữu của Thánh Mẫu về an táng tại đất quê chúa Trịnh ở Thanh Hoá. Bà được chúa Trịnh Tạc đúc tượng đồng cùng thờ với Thánh Mẫu ở phủ Thông.

Hàng năm, nhân dân Bảo Ngũ, Thung Khê đến ngày 14 tháng Giêng đều tề tựu đông đủ làm lễ tri ân công đức của một Thái phi đã có công chăm lo đến đời sống dân quê Thiên Bản, để lại cho quê hương nhiều thành tựu văn hoá, kinh tế to lớn và đẹp đẽ.

Phòng VHTT sưu tầm,soạn và giới thiệu

Theo Địa chí Văn hóa huyện Vụ Bản