KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Lượt xem: 20615
Giới thiệu danh nhân đất Vụ Bản

Trạng nguyên Lương Thế Vinh, tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, ông sinh ngày 1 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) trong một gia đình nông dân có học ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Thời niên thiếu, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là thần đồng, thông minh, nhanh trí. Lớn lên, Lương Thế Vinh càng học giỏi, học có phương pháp, kết hợp học với lao động, vui chơi giải trí.
Chưa đầy hai mươi tuổi, tài học của Lương Thế Vinh đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam. Năm 23 tuổi, đời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ tư (1463), Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên khoa Quý Mùi.
Cuộc đời 32 năm làm quan, Lương Thế Vinh đều ở Viện hàn lâm, trải thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm viện sự, đứng đầu Viện hàn lâm.
Ông có biệt tài về ngoại giao, được nhà vua tin yêu, giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài.Trạng nguyên Lương Thế Vinh còn dạy học ở Quốc tử giám, Sùng văn quán và Tú lâm cục là những trường cao cấp thời bấy giờ đào tạo nhân tài cho đất nước về văn chương và toán học.
       Học trò của ông có nhiều người đỗ đạt cao như Nguyễn Tất Đại (người làng Kha Lý, xã Thụy Quỳnh, Thái Thụy, Thái Bình), đỗ tiến sĩ năm 1469; Lương Đắc Bằng (làng Hội Triều, nay thuộc Hoằng Phong, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), đỗ bảng nhãn năm 1499.
      Lương Thế Vinh không những dạy toán học ở Tú lâm cục, ông còn giữ chức Cấp sự trung khoa công, chuyên khảo sát việc tạo tác các công trình như cung điện, đền đài, thành quách, đường sá, đê điều… cần đến toán học.
      Ông đã biên soạn cuốn Đại thành toán pháp để tiện dùng, đó là cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở nước ta. Trong cuốn sách, ông đã tổng kết những kiến thức toán thời đó và cả những phát minh của ông.

      Thời Lương Thế Vinh, các công cụ tính toán thật là thô sơ nghèo nàn. Ở Việt Nam lúc đó công cụ tính toán chủ yếu vẫn là hai bàn tay bằng cách “bấm đốt ngón tay”. Khi đó người ta còn dùng một sợi dây với những nút thắt làm công cụ đếm (thắt nút, cởi nút)…

Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, Lương Thế Vinh sáng chế ra một công cụ tính toán lợi hơn. Cuối cùng ông đã sáng chế ra bàn tính gẩy – chiếc bàn tính đầu tiên của Việt Nam. Lúc đầu ông nặn những hòn bi bằng đất có khoan lỗ ở giữa, xâu vào một cái đũi, các xâu buộc cạnh nhau thành một bàn tính ông cải tiến dần những “viên tính” bằng đất thành những đốt trúc ngắn, rồi những viên tính bằng gỗ sơn màu khác nhau để dễ tính, dễ nhớ.
Lương Thế Vinh am hiểu sâu sắc về âm nhạc và hát chèo. Ông đã cùng Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận soạn hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc dùng trong quốc lễ và triều hội. Ông nghiên cứu hàng trăm phường chèo, biên soạn cuốn Hý phường phả lục ghi lại các khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo, phương pháp múa và hát.
Về văn thơ, Lương Thế Vinh cũng có nhiều đóng góp. Ông giữ chức Sái phu trong hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông, là người chuyên phê bình, sửa chữa thơ trong hội, nhiều lần đã ngâm họa với vua Lê như bài Tướng sĩ nhớ nhà và bài Động Lục Vân.
Lương Thế Vinh là người trọng thực học, thích mở mang kinh tế. Ông đã dạy dân làng Hương làm nghề thuốc bắc, thuốc nam chữa bệnh cứu người, khuyến khích mở nhiều chợ búa để dân mua bán, trao đổi hàng hóa.
Yêu nước, thương dân, ông luôn muốn cho đất nước thanh bình, dân ấm no, triều đình và dân cùng lo việc nước. Với suy nghĩ như vậy, nên đoạn văn sách thi Đình nổi tiếng đó, Lương Thế Vinh khuyên nhà vua ra sức kén chọn người hiền tài, đặt quan chức để “vì dân mà làm việc”, khuyên nhà vua và triều đình phải “đồng tâm nhất thể”.
Cuối đời trạng nguyên Lương Thế Vinh về trí sĩ tại quê nhà. Ông về hưu thực ra không phải vì ốm yếu, mà ông muốn rảnh rỗi trở về sống yên tĩnh ở quê hương, làm thêm việc gì có ích trước khi xuôi tay, nhắm mắt.
Nhân dân Cao Hương yêu mến Lương Thế Vinh. Nhưng yêu hơn vẫn là đám học trò đã và đang học Lương Thế Vinh. Cứ đến mùa sen nở, ông lại một lần tiễn học trò mình đi thi. Học trò Sơn Nam đến theo học ông ngày càng đông và không ít người đã thành đạt.
Rút từ bài học bản thân mình, Lương Thế Vinh rèn cho học trò một cách học thông minh. Khi học ra học, khi chơi ra chơi, không học ngày học đêm theo cách sôi kinh nấu sử.
Tuổi ngày càng cao, nhưng cũng như thú vui thả diều, hàng ngày Lương Thế Vinh thường la cà quán nước, nhất là quán cây đa cổ thụ có bóng râm mát cả một vùng rộng ở làng bên. Ở nơi đây ông có thể nghe được nhiều điều hay dở để răn dạy học trò, răn dạy người đời và cũng để sửa mình nữa.
Ông rất yêu con trẻ, thường bày cho chúng những trò chơi vui nhộn và bổ ích. Thấy trẻ rất thích nặn con rối, ông đã nghĩ ra cách chơi rối nước.
Trò chơi này thật vui, thật hấp dẫn. Người các nơi tìm đến học để phổ biến ở quê mình. Từ đó múa rối nước trở thành một loại nghệ thuật sân khấu đặc sắc trong nhân dân, truyền mãi đến ngày nay.
Trạng nguyên Lương Thế Vinh mất tại quê nhà ngày 26/8 năm Bính Thìn (1496), thọ 55 tuổi.
Nhà bác học Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) đã hết lời ca ngợi Lương Thế Vinh, đánh giá ông là con người có tài kinh bang tế thế, một con người “tài hoa danh vọng vượt bậc”.
Hình ảnh trạng nguyên Lương Thế Vinh còn sống mãi trong tâm thức mọi người bằng truyền thuyết và giai thoại về cuộc đời, sự nghiệp, tài đức và lòng yêu nước, yêu dân của ông.
Nhân dân làng Cao Hương đã quý mến giữ gìn phần mộ của ông tại khu Mả Trạng. Đền thờ trạng nguyên Lương Thế Vinh được xây dựng trên nền nhà cũ tại Giáp Nhất, làng Cao Hương./

PVHTT Sưu tầm

Trạng Lường Lương Thế Vinh

Lương Thế Vinh tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh ngày mồng 1 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) trong một gia đình nông dân tại làng Cao Hương (nay là làng Cao Phương, xã Liên Bảo). Từ nhỏ, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là "Hoa Sơn thần đồng" hay Thần đồng làng Hương. Năm 23 tuổi, Lương Thế Vinh đậu Trạng nguyên khoa thi Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4 (1463) đời vua Lê Thánh Tông. Khoa thi này, ba vị Tam nguyên đều người Sơn Nam, khi vinh quy đều cùng về một đường, nên vua Lê Thánh Tông vui mừng tặng một lá cờ hoa tự tay đề 4 câu thơ:

Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh

Thám hoa Quách Đình Bảo

Thiên hạ cộng tri danh.

Trạng Nguyên Lương Thế Vinh, Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh, Thám hoa Quách Đình Bảo, Thiên hạ đều biết tên.

Tiếng tăm Lương Trạng nguyên vang lừng khắp nước. Suốt 32 năm làm quan (1463 - 1495), Lương Thế Vinh đều ở Viện Hàn lâm, thăng dần đến Hàn lâm viện Thị thư, chưởng Hàn lâm viện sự, nắm giữ công việc của viện, Lương Thế Vinh có biệt tài về ngoại giao, được vua Lê giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài.

Lương Thế Vinh còn kiêm chức Tư huấn cục Tú Lâm và quán Sùng Văn, lại kiêm cấp sự trung khoa công nên rất cần đến Toán học. Ông đã biên soạn ra Đại thành toán pháp, Khải minh toán học, lập ra Bảng cửu chương và bàn tính gảy để giúp cho việc tính toán được nhanh chóng, nhất là trong cân đong đo đếm (đo lường), nên nhân dân kính trọng gọi ông là Trạng Lường (ông Trạng tính toán giỏi). Cũng Chính vì tính toán giỏi mà ông được giữ chức Tả thị lang bộ Hộ, chuyên giám sát sổ Sách đinh điền, thuế khóa hàng năm của Nhà nước.

Bên cạnh là nhà ngoại giao, nhà toán học, Trạng nguyên Lương Thế Vinh còn là một thầy giáo ưu tú đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước như Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, thám hoa Trần Bích Hoành, tiến sĩ Trần Xuân Vinh, tiến sĩ Nguyễn Tất Đại... Là một vị đại thần suốt đời nêu gương thanh liêm, cương trực, luôn có đầu óc thực học muốn đem kiến văn của mình giúp ích thiết thực cho nước, cho dân, nhưng trong cuộc sống đời thường, trong sinh hoạt thường nhật, Lương Thế Vinh là một con người thích tự do, phóng khoáng, thích khôi hài, thích âm nhạc, ca hát, thích du ngoạn danh lam thắng cảnh đất trời, thăm viếng đền đài di tích lịch sử văn hoá, thích làm thơ phú, họa thơ với các bậc danh sĩ.

Lương Thế Vinh rất ham mê xem chèo hát. Là một đại sĩ phu, nhưng ông đã xem và nghiên cứu hàng trăm gánh chèo, đúc kết về nội dung và nghệ thuật ca múa nhạc dân gian của chèo, một nghệ thuật sân khấu cổ truyền ở nước ta biên soạn thành cuốn Hý phường phả lục với bút danh Thụy Hiên. Năm 1501, 05 năm sau khi Lương Thế Vinh mất, bạn ông là Tiến sĩ Quách Hữu Nghiêm đề tựa và đem in. Đây là cuốn sách lý luận đầu tiên về nghệ thuật chèo ở nước ta. Ông cũng rất sành về âm nhạc cung đình, đã cùng Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận soạn hai bộ lễ nhạc mới. Đó là bộ Đồng Văn chuyên hợp xướng và bộ Nhã Nhạc chuyên Hòa bằng nhạc khí dùng trong quốc lễ và triều hội. Về văn học, Lương Thế Vinh để lại cho đời bài văn sách thi Đình đậu Trạng của ông, là lời "phi lộ" của chàng trai 23 tuổi bước vào chính trường trở thành một bậc sĩ đại phu có tư tưởng "thân dân" nối tiếp được truyền thống của Trần Hưng Đạo, của Nguyễn Trãi, Ông còn là Sái phu của Hội thơ Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông làm Nguyên suý, Ông cùng Sái phu Thái Thuận chuyên phê bình, sửa chữa thơ văn của Hội, Ông còn để lại hai bài phú và khoảng một chục bài thơ thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, ca ngợi các anh hùng nghĩa sĩ các hiền tài của đất nước, danh lam thắng cảnh của quê hương, Hai bài Phú Xuân Sơn, phú và Phê dương cừu điếu trạch trung phú của ông được đánh giá là mội trong những bài phú vừa hay về nội dung, vừa điêu luyện về nghệ thuật có thế sánh ngang với những bài phú danh tiếng của Việt Nam như Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Ngọc tinh tiên phổ của Mạc Đĩnh Chi đời Trần trước đó và bài Mộng Thiên Thai phú của Ngô Thì Nhậm đời Lê Trịnh sau này.

Ông còn đi sâu nghiên cứu về Phật học, đề tựa và cho in hai cuốn Thiền môn giáo khoa và Nam Tông tự pháp đồ của sư Thường Chiếu đời Lý và biên soạn cuốn Thích điển giáo khoa Phật kinh thập giới (Sách giải thích về 10 điều răn của kinh Phật). Đối với mảnh đất quê hương, Lương Thế Vinh chính là người có công lớn trong việc khuyến khích dân làng Hương trồng và buôn thuốc Nam, thuốc Bắc theo gương của quan Thái tử thiếu bảo Đỗ Văn Biểu, bậc danh sĩ tiền bối của làng Hương. Cho đến ngày nay, người dân làng Hương vẫn nhớ ơn, tôn vinh Đỗ Văn Biểu và Lương Thế Vinh là ông tổ của làng nghề.

Cuộc đời Lương Thế Vinh là cuộc đời của một nhân tài toàn diện, hiếm thấy trong xã hội nước ta thời trung đại. Ông có tầm nhìn xa, trông rộng, có tấm lòng ưu ái với nước, với dân, sống gần gũi với nhân dân, một bậc sĩ đại phu có thực học, thích sống cuộc đời phóng khoáng. Khoảng năm 1495, Lương Thế Vinh về hưu dưỡng gia tại quê, sống cuộc đời thanh cao, bình dị, khoáng đạt giữa thiên nhiên và dân làng thân thiết. Năm sau ông qua đời vào ngày 26 tháng 8 năm Bính Thìn, hưởng thọ 56 tuổi. Nghe tin ông mất, vua Lê Thánh Tông thương tiếc, đã làm thơ Nôm viếng ông, sai quan triều đến làm lễ và cho lập đền thờ tại làng, phong làm phúc thần. Bài thơ Nôm của nhà vua điếu Lương Thế Vinh đã gây xúc động lớn, nhất là hai câu kết:

Khuất ngón tay than tài cái thế

Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.

Đó cũng là sự đánh giá đúng tài năng và đức độ, sự cống hiến của Lương Trạng nguyên, Tên tuổi của ông đã sớm đi vào huyền thoại đẹp đẽ trong tâm thức dân gian, trở thành một trong Thiên bản lục kỳ của đất Vụ Bản.

Phòng VHTT sưu tầm,soạn và giới thiệu

Theo Địa chí Văn hóa huyện Vụ Bản