KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tổng công trình sư Vũ Công Chấn
Lượt xem: 1126

Vũ Công Chấn còn gọi là Vũ Công Trình, người làng An Cự, huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Đại An huyện Vụ Bản). Ông sinh ngày mồng 4 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1618), trong một gia đình nội ngoại đều có truyền thống thi thư và thiết kế, xây dựng các công trình cho Nhà nước phong kiến. Năm mười lăm tuổi, Vũ Công Chấn đã vào lính. Do tính cẩn thận và tính toán giỏi, nên các chúa Trịnh Tráng, Trịnh Tạc và Trịnh Căn (ở thế kỷ XVII) đều sai ông điều hành xây dựng các công trình kho tàng, lầu các, cầu đường, đền đài của vua Lê chúa Trịnh thời đó.

Trước hết có thể kể đến các công trình cầu đường do Vũ Công Chấn làm tổng công trình sư, Năm 1660, Vũ Công Chấn đã chỉ đạo nhân công hai huyện Nông Cống và Ngọc Sơn xây dựng cây cầu bắc qua sông Luân ở Thanh Hoá. Theo tộc phả, mười năm sau, Vũ Công Chấn lại đốc công làm hai cầu Lệ Xuyên và Phú Cốc cùng ở Thanh Hoá. Năm 1671 ở tuổi 54, lại đốc công xây dựng cầu Thiên Phúc ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Đặc biệt quan trọng là Vũ Công Chấn đã đốc công xây dựng cầu Yên Quyết bắc qua sông Tô Lịch ở chỗ giao thông huyết mạch vào kinh thành Thăng Long, sau này dân gọi là Cầu Giấy, ông làm cầu này ở tuổi 50 (1667). Tấm bia Trùng tư Tô Giang kiều bi ký dựng năm 1679 ở ngay đầu cầu cho biết: "Một toà cầu dài 15 gian, bầy nhạn bay qua cầu tưởng là gặp phải dãy núi. Từ sông Tô Lịch nhìn lên như một lầu cao rực ánh hồng. Trụ cầu vững vàng đứng giữa dòng sông. Đi trên sàn ván cầu mà như là dẫm trên đất bằng". Và văn bia khẳng định: "Nơi thắng địa Thượng Yên Quyết này có chiếc cầu nổi tiếng trên dòng sông Tô Lịch".

Vũ Công Chấn còn nổi tiếng về những công trình kiến trúc cung đình. Năm 1661, vào tuổi 44, ông đã đốc công xây dựng toà lầu để vua Lê Thần Tông ngồi xem các sĩ tử trong cả nước vào thi Hội tại kinh thành. Ngự toà lầu này, vua Thần Tông rất hài lòng, ban thưởng cho ông 50 mẫu lộc điền. Một năm sau, Vũ Công Chấn lại đốc công xây dựng Tử các đường (nhà gác tía) và Tả môn (cửa bên trái) của đại môn phủ Chúa Trịnh ở kinh thành. Công trình nổi bật nhất của kiến trúc đài các mà Vũ Công Chấn đốc công xây dựng là Đàn Nam Giao ở Thăng Long, là nơi triều đình nhà Lê dùng để tế trời đất. Sách Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú miêu tả: "Nam Giao chiêu sự điện xây dựng vào năm 1663, giữa là điện Chiêu sự, bốn góc có cột bằng đá, nền và sân đều lát đá. Quy mô chế thức rực rỡ, mới mẻ. Sai triều thần là bọn Hồ Sĩ Dương làm văn khắc bia để ghi việc ấy". Văn bia Nam Giao chiêu sự điện bi ký của Hồ Sĩ Dương dựng năm 1679 ghi rõ: "Luân quận công Vũ tướng công vâng sắc mệnh đốc công làm điện".

Đối với việc xây dựng lăng tẩm và các công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo thì Luân quận công Vũ Công Chấn cũng được chúa Trịnh tín nhiệm giao việc. Năm 1669, Trịnh Thái phi Trần Thị Ngọc Đài qua đời, Vũ Công Chấn được chúa Trịnh Tạc giao cho tổ chức tang lễ, Ông đã về quê chúa Trịnh ở Lương Sơn xây dựng Ninh Lăng và miếu thờ, rồi chỉ huy đoàn thuyền 20 chiếc đưa linh cữu Thái phi về nhập Ninh Lăng và thờ ở miếu, Nhưng tiêu biểu nhất, công lao lớn nhất là Luân quận công đã đốc công xây dựng tôn tạo Quán Trấn Vũ, một trong "Thăng Long tứ trấn", nơi trấn giữ phía Bắc kinh thành Thăng Long. Tộc phả họ Vũ cũng ghi rõ việc này: Năm 60 tuổi (1677) đốc công xây dựng tôn tạo Quán Trấn Vũ, nguy nga tráng lệ, lại đúc tượng Trấn Vũ Quán đại thánh bằng đồng. Hoằng tổ Dương Vương Trịnh Tạc đến thăm, khen thưởng và cho lập tượng đá ở bên trái đền thờ, kèm theo tự vị được ban hiệu là "Linh quang cảm ứng Đại vương thần tượng". Tiến sĩ công bộ Thượng thư Hồ Sĩ Dương đã viết một trong văn bia Trấn Vũ Quán bi ký đặt tại đền, hết lời ca ngợi, có đoạn nói về tượng thánh: "Vừa mới đúc mà như được giúp sáng cửa Thánh Chúc Dung, được sự hỗ trợ khéo léo của thần Ninh Phong, tượng Thánh đúc thành, cao to, mười phần hoàn mỹ, không có chút tỳ vết nào... người nhìn màu sắc sáng loáng, nét mặt trang nghiêm, xung quanh có rồng chầu hồ phục, ngồi uy nghi mà ma qủy sợ trốn, oai vệ đáng sợ hãi, tôn kính vậy". Trong phần lạc khoản, tiến sĩ Hồ Sĩ Dương ghi rõ: "Vâng mệnh đốc công Luân quận công Vũ tướng công, cũng có chỉ cho được cùng thờ tại đền này". Hiện nay, mọi công trình tạo tác này vẫn còn hiện hữu lưu lại thành quả của một tổng công trình sư tài giỏi ở thế kỷ XVII, tạo cho kinh thành Thăng Long trước đây, cũng như thủ đô Hà Nội ngày nay một kỳ quan di tích tâm linh, bên Hồ Tây lộng gió, tô đẹp thêm cho cuộc sống đô hội chốn kinh kỳ.

Luân quận công Vũ Công Chấn thọ 81 tuổi, Ông qua đời vào tháng Chạp năm Mậu Dần (1699) an táng tại quê nhà An Cự, có đặt bia mộ kiểu bia hộp, vỏ ngoài khắc "Luân quận công Vũ tướng công chi mộ". Bên trong có bia ghi tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của ông, do tiến sĩ Hình bộ Thượng thư Lê Hy soạn ngay khi nhập mộ. Nhà thờ họ Vũ đại tông ở An Cự còn lưu giữ 20 sắc phong triều Lê và 4 sắc phong triều Nguyễn, trong đó có ghi rõ quá trình phong thăng chức của Luân quận công từ Đề điểm lên đến Đô đốc phủ Hữu Đô đốc. Ngoài ra nhà thờ còn lưu giữ sắc phong thăng chức của hai Quận công khác là em út Vũ Công Hằng là Đô đốc đồng tri Đằng quận công và con kế tự là Đề đốc quân vụ Ân quận công Vũ Công Đáng, Cùng với hệ thông sắc phong thì từ đường còn lưu giữ một di vật rất có giá trị là bức tranh vải rất rộng, vẽ sơn bốn màu chân dung của Luân quận công, được truyền thần khi bãi triều về thư nhàn tại dinh nhà.

Phòng VHTT sưu tầm,soạn và giới thiệu

Theo Địa chí Văn hóa huyện Vụ Bản