KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Lại Quận công Phạm Đình Kính
Lượt xem: 1015

Phạm Đình Kính sinh ngày 16 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1669) trong một gia đình Nho học làng Vĩnh Lại (làng Si, xã Vĩnh Hào). Ông nội Phạm Đình Kính là Thượng tướng quân Cẩm Phú hầu, trấn giữ vùng Tân Bình (Quảng Bình, Quảng Trị), người đã có công đưa dân 5 họ Đoàn, Phạm, Vũ, Nguyễn, Trần làng Si vào Tân Bình thành lập Ma Thành cự ấp. Ông cụ thân sinh của Phạm Đình Kính là Phạm Thuần Hậu làm Thừa chính sứ Lạng Sơn sau thăng Hộ bộ Tả Thị lang, tước Trình Nghĩa hầu. Khi về trí sĩ tại làng, ông cho người lên học nghề cót ở Lạng Sơn về dạy cho dân làng. Ông còn mở trường, đón thầy có danh tiếng về dạy học cho con cháu trong họ, trong làng.

Lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc nên Phạm Đình Kính rất chăm chỉ học hành, biết nhiều chuyện truyền kỳ trong dân gian, thích làm thơ, giao du rộng rãi với bạn bè. Ngoài 20 tuổi ông thi đậu Hương cống. Do tập ấm của ông và cha, nên sớm được bổ làm quan. Năm 1703, ông trúng tuyển kỳ thi Sĩ vọng, được thăng chức Tri phủ Nghĩa Hưng ngay tại quê nhà. Ông vừa giúp dân khai phá miền ven biển Nghĩa Hưng, vừa huy động dân đào đắp uốn nắn dòng sông Cửu Khúc, mở rộng lòng sông Vĩnh lấy nước tưới tiêu đồng ruộng thuyền bè đi lại thuận tiện. Ông cũng tiếp tục sự nghiệp của cha mình khuyến khích nghề đan cót ở làng Si. Năm canh Dần (1710), Phạm Đình Kính dự khoa thi Đình đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ. Ông được thăng chức, làm quan bộ Lễ. Năm 1723, ông được cử làm Phó Sứ trong sứ bộ của Phạm Khiêm Ích sang nhà Thanh mừng vua Ung Chính lên ngôi, lúc này ông đã 55 tuổi. Sứ bộ phải ở lại triều Thanh 3 năm để làm tốt việc bang giao giữa hai nước. Năm 1726, vua Ung Chính cấp thuyền cho sứ bộ về nước tặng kim bài và sách quý cho vua. Riêng chánh phó sứ cũng được tặng kim bài. Kim bài của Phạm Đình Kính khắc 4 chữ "Vạn Thế Vĩnh Lại" (có nghĩa: muôn đời được nhờ). Về nước, Vua Lê phong Phạm Đình Kính làm Hữu Thị Lang bộ Lại, tước Lại Khê hầu. Năm 1729, Phạm Đình Kính lại sang sứ lần thứ hai, Năm 1733 ông lại được thăng Đô đài Ngự sử. Năm sau ông được thăng Bồi tụng Hình bộ Thượng thư, tước Lại quận công, Hai năm sau, được thăng Binh bộ Thượng thư, Nhập thị Tham tụng, được gần gũi bàn bạc Việc cơ mặt với vua chúa, Nhân dịp này, nhiều lần ông dâng sớ tâu xin triều đình thực hiện nhiều chính sách ích quốc lợi dân, mở mang kinh tế, chỉnh đốn quân đội, mở rộng việc bang giao với nước ngoài. Nhưng vua Lê, chúa Trịnh không nghe. Chán nản, lấy cớ tuổi già sức yếu, ông xin về trí sĩ. Trở về với dân, vui tuổi già, ông quan tâm mở mang nghề cót, mở rộng chợ Gôi thành chợ lớn ở huyện, tạo không khí buôn bán tấp nập, thúc đẩy các nghề thủ công phát triển.

Trở về quê ông đã cùng các bậc văn thân đi thăm viếng nhiều danh lam thắng cảnh trong vùng đồng thời để lại nhiều tác phẩm thơ văn, Bài thơ Bái An Thái tiên nữ từ của ông được đánh giá là học giả Nho giáo đầu tiên làm thơ về Phủ Dầy:

Vân hương tải thế nhất kỳ truyền

Lê Thị đầu sinh Đinh Tỵ niên

Giá tại Trần môn năng khắc hậu

Tử ư An ấp khả quang tiền

Thế Tông thủy tạo mao từ quán

Phúc Thái trùng khai ngoã thạch hiên

Hoằng Định dĩ mông ban bảo chiếu

Linh thanh ảnh hưởng khởi u huyền

Dịch nghĩa

(Làng Vân lưu mãi chuyện truyền kỳ

Đinh Tỵ (1557) đầu sinh Lê Giáng Tiên

Lấy chồng Trần tộc trong đạo nghĩa

Hoá tại Kẻ Dầy có phủ thiêng

Quán cỏ Thế Tông (1578 - 1599) đầu mới dựng

Nhà xây Phúc Thái (1643 - 1649) lại trùng tân

Đời vua Hoằng Định (1601 - 1615) ơn ban sắc

Linh thiêng huyền ảo mãi lưu truyền)

Cuối đời, Phạm Đình Kính rất quan tâm đến việc học hành của con cháu và dân làng. Ông duy trì trường học tại dinh của mình. Dinh của Ông chạy dọc theo sông Hạ Vạn, có nhà ở của ông và gia đình, có nhà học, có nơi để dân đến giao lưu lấy nứa, giao cót, lấy tiền. Dưới sông thuyền bè nứa đậu san sát, tạo nên cảnh buôn bán, sản xuất sầm uất kéo dài sang mãi chợ Si qua cầu đá sang chợ Đại (còn gọi là chợ Ngò). Lo việc học suốt đời, nên con cháu ông đều được học hành, nhiều người ra làm quan, nhiều người ở nhà tiếp tục dạy học. Từ đời của ông, dòng họ có tổng cộng một Tiến Sĩ, 2 cống sĩ cùng hơn một chục giám sinh Quốc Tử Giám, chiêu văn quán, Tổng cộng có hơn một chục người làm quan văn võ, trong đó có một Quận công, 4 tước Hầu, 2 tước Bá, 4 người được phong phúc thần, Họ Phạm làng Si thực sự là một danh gia Vọng tộc, nhiều đời vinh hiển, văn võ kiêm toàn, là một gia đình danh gia vọng tộc nhưng ông luôn giáo huấn các bậc con cháu về lòng thương người, giúp đỡ kẻ hoạn nạn, chính vì vậy ông còn được nhân dân tôn kính gọi là Cụ Thượng Si.

Ông qua đời ngày 22 tháng 11 năm Đinh Tỵ (1737), hưởng thọ 69 tuổi. Vua Lê Ý Tông (Vĩnh Hựu) đã phong tặng ông là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng Lễ bộ Thượng thư Đông Các Đại học sĩ nhập thị Kinh diên Thiếu Bảo Lại quận công. Ông yên nghỉ tại lăng Vân Dương phía Tây làng.

Phòng VHTT sưu tầm,soạn và giới thiệu

Theo Địa chí Văn hóa huyện Vụ Bản