Nguyễn Đức
Thuận tên thật là Bùi Phong Tư, sinh năm 1916 tại Giáp Ba, Bảo Ngũ (xã Quang
Trung, Vụ Bản) trong một gia đình nông dân nghèo. Khi còn ở làng quê, đồng chí
đã tham gia nhiều hoạt động chống cường hào, ác bá. Lớn lên, học trường Kiểm bị
huyện Vụ Bản, được thầy giáo Thái Bá Cơ (quê ở Đô Lương, Nghệ An, tham gia
Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ 1927) truyền bá những tư tưởng yêu nước
cách mạng nên đồng chí sớm giác ngộ. Năm 1936, khi thoát ly gia đình ra Hà Nội
làm công nhân thủy tinh, được tiếp xúc với nhiều chiến sĩ cộng sản, đồng chí đã
nhanh chóng tham gia các phong trào đấu tranh của công nhân do Đảng phát động,
trở thành một cốt cán của phong trào, hoạt động tích cực. Năm 1937, đồng chí
Nguyễn Đức Thuận được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương thuộc chi bộ công nhân
thủy tinh Hà Nội, ít lâu sau trở thành bí thư chi bộ. Năm 1940, đồng chí tham
gia Thành Ủy Hà Nội, phụ trách phong trào công nhân. Đồng chí thường về liên hệ
phối hợp hoạt động với hội Ái hữu của công nhân thủy tinh Nam Định mà phần lớn
hội viên là bạn bè thân thích người làng Bảo Ngũ, Có lần nhân dịp Hội Phủ Dầy,
đồng chí đã về diễn thuyết ở Phủ Giáp Ba, tuyên truyền đường lối của Mặt trận
Dân chủ Đông Dương, thu hút đông đảo người làng và người đi hội đến nghe. Cuối
năm 1940, đồng chí bị đế quốc Pháp bắt, kết án 15 năm tù khổ sai, bị giam ở nhà
tù Sơn La, rồi bị đầy đi Côn Đảo. Đồng chí tích cực tham gia các phong trào đấu
tranh trong nhà tù, là Phó Bí thư chi bộ Đảng bí mật ở nhà giam số 3 Côn Đảo. Cách
mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Nguyễn Đức Thuận ở trong số các
chiến sĩ cách mạng được đón từ nhà tù Côn Đảo về đất liền và được Đảng giao
nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh Ủy Thủ Dầu Một.
Năm 1946, đồng
chí tham gia Xứ Ủy Nam Bộ, sau đó kiêm Bí thư Khu Ủy khu 7. Năm 1947, đồng chí
là Phó Bí thư xứ Ủy Nam Bộ, Năm 1950 đồng chí làm Trưởng Ban Mặt trận của xứ
Ủy, đồng thời là Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Nam Bộ, Từ năm 1951 đến 1956,
đồng chí tham gia các công tác của Đảng trong vùng địch tạm chiến. Tháng 7 năm
1956, đồng chí bị bọn Mỹ nguỵ bắt giam và tra tấn dã man tại sở thú Sài Gòn.
Đồng chí bị giam tại các trại giam P42, Gia Định, Thủ Đức rồi đày đi Côn Đảo
lần nữa. Gần 8 năm trời, trong nhà tù, đồng chí bị địch tra tấn kìm kẹp, đày ải
ở xà lim "chuồng cọp" Côn Đảo, đồng chí vẫn kiên cường bất khuất, giữ
vững khí tiết người Đảng viên Cộng sản.
Năm 1964, đồng
chí ra khỏi nhà tù Côn Đảo. Vừa phục hồi sức khoẻ, đồng chí lại lao ngay vào
công việc, Năm 1966, Trung ương Đảng cử đồng chí làm công tác công đoàn, lần
lượt giữ các chức Phó Bí thư, Bí thư Đảng đoàn Tổng Công đoàn, được các Đại hội
IV và V của Tổng Công đoàn bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký rồi làm Chủ
tịch Tổng công đoàn Việt Nam, Đồng chí là Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung
ương Mặt trật Tổ quốc Việt Nam, Ủy biên Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn thế
giới. Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá IV, V, VI và VII, là Ủy viên
Ban Thường Vụ Quốc hội khoá VI. Đầu năm 1977, đồng chí kiêm nhiệm chức Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Năm 1981, đồng chí được bầu làm Ủy viên Hội
đồng Nhà nước. Đại hội Đảng toàn quốc lần IV (1976) và lần thứ V (1982), đồng
chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn
Đức Thuận đã viết cuốn hồi ký “Bất khuất”, xúc động kể lại biết bao tấm gương
đấu tranh kiên cường bất khuất, mặt đối mặt với kẻ thù của các chiến sĩ cách
mạng bị giam cầm trong các nhà tù Mỹ - Ngụy, khiến chúng ta cảm phục những
người con yêu quý của Tổ quốc khi sa vào tay giặc, trước cái chết vẫn một mực
trung kiên, hướng về Đảng, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Cuốn
sách đã góp phần bồi dưỡng tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng cho đồng
bào và chiến sĩ ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh
gian khổ.
Đồng chí
Nguyễn Đức Thuận mất ngày mồng 4 tháng 10 năm 1985 tại Liên Xô, hưởng thọ 69
tuổi. Một chuyên cơ đã chuyển thi hài đồng chí về an táng tại nghĩa trang Mai
Dịch, Đồng chí Nguyễn Đức Thuận đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí
Minh cao quý./.
Phòng VHTT sưu tầm,soạn và giới thiệu
Theo Địa chí Văn hóa huyện Vụ Bản