Sáng ngày 12/9, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết
05 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của
lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Hội nghị kết nối trực tuyến tới tất cả các địa
phương trên cả nước.
Hội nghị
trực tuyến về công tác phòng cháy chữa cháy
Đồng chí Phạm Minh
Chính – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Bình Minh – Uỷ viên Bộ
Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ, cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu huyện Vụ Bản có đồng chí Nguyễn Khắc Xung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện
Vụ Bản
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước
diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại
các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại,
cơ sở sản xuất, kinh doanh… và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh karaoke. Theo
báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2017 đến năm 2022, cả nước xảy ra 17.055 vụ cháy, trong đó có 15.484 vụ cháy nhà dân,
cơ sở sản xuất kinh doanh, phương tiện giáo thông và 1.571 vụ cháy rừng, làm
chết 433 người, bị thương 790 người và thiệt hại về tài sản là 7.043 tỷ đồng và
7.548 ha rừng. Ngoài ra, cả nước còn xảy ra 149 vụ nổ làm 64 người chết, bị
thương 190 người và thiệt hại về tài sản là hơn 1 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu
năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người,
thiệt hại về tài sản khoảng 532 tỷ đồng. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm
trọng, điển hình như vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày
01/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh; vụ cháy kho
xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022 và đặc biệt là
vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 06/9/2022 làm 32 người chết. Nguyên
nhân của những vụ cháy chủ yếu là sự cố hệ thống, thiết bị điện, do sơ suất
trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt… Triển khai nhiệm vụ cứu nạn cứu
hộ, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã tham gia tổ
chức cứu nạn, cứu hộ đối với gần 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố; trực tiếp cứu được
6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người và tìm được 3.350
thi thể nạn nhân do cháy...
Để thực hiện hiệu quả Nghị định số 83 của Chính phủ,
đến nay, đã có 40/63 UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện. Trong 5 năm
qua, Chính phủ, Bộ Công an, UBND các cấp đã tổ chức 145 hội nghị tuyên truyền
về công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; triển khai ứng dụng Báo cháy
114, với gần 350 ngàn lượt người tải và đăng ký sử dụng. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn đã phối hợp các cơ quan truyền thông trung ương
và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức
phong phú, đa dạng, đăng tải trên 80.000 tin, bài; phát sóng trên 800.000 phóng
sự, phim tài liệu phòng chống cháy nổ; tổ chức tuyên truyền, huấn luyện phòng
chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn trên 170.000 buổi với hơn 9 triệu người tham
gia. Xây dựng, phát triển, nhân rộng trên 4.000 mô hình điển hình, hơn 14.000
điển hình tiên tiến về phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn theo phương châm
"Bốn tại chỗ". Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công an, UBND các địa
phương đã xây dựng 146 phương án cấp tỉnh; Bộ Công an đã xây dựng 119 phương án
cấp Bộ để huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với các tình huống
cháy, nổ, sự cố tai nạn đặc biệt nghiêm trọng; lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn xây dựng
trên 9.000 phương án cứu hộ cứu nạ; tổ chức diễn tập trên 3.500 phương án.
Ngoài ra, các địa phương đã thành lập được trên 80.000 đội dân phòng trên tổng
số 103.000 thôn, với trên 820.000 thành viên và trên 325.000 đội phòng cháy
chữa cháy cơ sở, 460 đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành với 8.500 đội viên.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu đại
diện cho các bộ, ban, ngành, các địa phương tham luận, làm rõ hơn nguyên nhân
của các vụ cháy nổ đã xảy ra trong thời gian vừa qua và đề xuất các biện pháp
nhằm làm tốt hơn công tác phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng
Chính phủ nhấn mạnh: Phòng cháy, chữa cháy và công tác cứu hộ, cứu nạn là nhiệm
vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi: Kinh tế, xã hội nước ta đang
trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cơ sở
hạ tầng, kỹ thuật, nhà và công trình cao tầng ngày càng nhiều; hoạt động lao
động, sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn,
dẫn tới nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn… Trong khi đó, nhận
thức, hành vi, thói quen về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của mọi
người còn có những lúc, những nơi hạn chế; kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố
là chưa cao; việc thực thi quy định pháp luật và hoạt động quản lý Nhà nước về
phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, bất cập. Thủ tướng Chính
Phủ đề nghị các đồng chí với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn, tập
trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được,
những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân, rút
ra những bài học kinh nghiệm gì, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Hoàn
thiện chính sách, pháp luật; khâu tổ chức thực hiện và công tác quản lý Nhà
nước; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ,
cứu nạn; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm; tăng
cường năng lực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn và trách nhiệm của các cơ
quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
P/v: Hải Vân- Trung tâm VH – TT&TT huyện