KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Phóng sự dự thi giải búa liềm vàng năm 2023: Huyện Vụ Bản lan tỏa văn hóa “đi ăn cỗ giỗ không phong bì” hướng tới xây dựng con người Vụ Bản sống nghĩa tình
Lượt xem: 1236

Huyện Vụ Bản là một miền quê văn hiến, được lưu truyền danh xưng “Thiên bản lục kỳ”, “Địa linh nhân kiệt”. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã triển khai có hiệu quả phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương và hình thành nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới, từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện văn hóa “đi ăn cỗ giỗ không mang phong bì” trên địa bàn toàn huyện, nhằm hướng tới xây dựng con người Vụ Bản thân thiện, có lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: “Nghĩa tình - Văn minh - Năng động - Sáng tạo”.  Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ huyện Vụ Bản về xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

 

anh tin bai
anh tin bai

Ngày hội đại đoàn kết tại thôn Trung Linh, xã Đại Thắng

Gia đình bà Nguyễn Thị Cúc ở thôn Trung Linh, xã Đại Thắng là một trong những gia đình đầu tiên trong thôn thực hiện không nhận phong bì trong đám giỗ, bởi trước đây, bà làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ đã tuyên truyền, vận động các gia đình hội viên thực hiện đám giỗ không nhận phong bì và đi ăn cỗ giỗ không mang phong bì, được 100% gia đình hội viên trong thôn hưởng ứng. Nói về việc đi ăn cỗ giỗ không phong bì, bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ: Có lần tôi đi ăn cỗ giỗ, vô tình nghe được tâm sự của các cụ già về việc nhiều đình đám, đi ăn cỗ giỗ không chỉ có phong bì còn phải có tí lễ. Nghe được câu chuyện của các cụ, tôi rất băn khoăn, thế là tôi đã bàn bạc với cấp ủy thôn và đưa ra họp bàn trong sinh hoạt chi hội phụ nữ về chủ trương đi ăn cỗ giỗ không phong bì, được 100% chị em trong chi hội đồng tình hưởng ứng. Từ đó, văn hóa đi ăn cỗ giỗ không mang phong bì dần hình thành. Ban đầu nhiều người dân còn e ngại, sau nhiều đám giỗ, gia chủ không nhận phong bì, vậy là đi ăn cỗ giỗ không phong bì thành thói quen...

Thôn Trung Linh, xã Đại Thắng có 358 hộ dân với 1280 nhân khẩu. Những năm qua, việc xây dựng đời sống văn hóa ở thôn Trung Linh được lồng ghép và gắn kết chặt chẽ với phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần tạo nên sức sống mới, diện mạo mới cho vùng quê đồng chiêm trũng. Điểm nổi bật nhất là cấp ủy và Ban công tác mặt trận thôn đã tuyên truyền vận động được bà con Nhân dân trong thôn thực hiện việc đi ăn cỗ giỗ không phong bì và đưa văn hóa đi ăn cỗ giỗ không phong bì vào hương ước xây dựng nếp sống văn hóa của thôn. Được biết, các đám giỗ trong thôn thường được các hộ dân tổ chức với qui mô khoảng hơn chục mâm cỗ mới anh em, họ hàng, bà con lối xóm, có gia đình đông anh em làm từ 15 đến 20 mâm cỗ. Nhiều năm về trước, bà con trong thôn đi ăn cỗ giỗ chỉ gọi là có lễ mọn như cân hoa quả, chai rượu, thẻ hương đến thắp hương người quá cố và ăn cỗ đoàn kết với gia chủ. Nhưng đến những năm gần đây, bà con trong thôn dần hình thành thói quen đi ăn cỗ giỗ ngoài mang lễ còn có cả phong bì. Từ đó, gây ra một số dư luận không đẹp từ các đám giỗ. Nắm bắt được dư luận, chi ủy, ban công tác mặt trận thôn và các đoàn thể đã họp bàn và đi đến thông nhất là tuyên truyền, vận động Nhân dân đi ăn cỗ giỗ không mang phong bì.Trong đó, phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thôn thực hiện đi ăn cỗ không phong bì và không nhận phong bì của người đến ăn cỗ khi gia đình có tổ chức đám giỗ. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, từ năm 2021 đến nay, 100% đám giỗ ở thôn Trung Linh đều không nhận phong bì và người đến ăn cỗ cũng không mang phong bì. Các đám giỗ được tổ chức gọn nhẹ hơn. Ông Trần Xuân Lộc – Chi ủy viên chi bộ thôn chia sẻ: từ năm 2020, chi ủy đã đưa vấn đề đi ăn cỗ giỗ không phong bì được chi bộ triển khai sâu rộng đến các đoàn thể và Nhân dân. Trong đó, các đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện. Đến nay, Nhân dân trong thôn thực hiện rất tốt và thôn Trung Linh là thôn đầu tiên của xã Đại Thắng triển khai và thực hiện hiệu quả văn hóa đi ăn cỗ giỗ không phong bì.

Cùng với thôn Trung Linh của xã Đại Thắng, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn Chiều, xã Minh Tân phát động thực hiện văn hóa “ăn cỗ giỗ không phong bì”,  trước hết từ gia đình các đồng chí cán bộ, đảng viên. Đồng thời phối hợp với các dòng họ phát động đến con cháu trong dòng họ. Từ khi trong thôn có một vài dòng họ thực hiện mô hình này thì các dòng họ khác nhận thấy được ý nghĩa của mô hình đã giảm rất nhiều phiền hà, áp lực đối với người đi ăn cỗ giỗ nhất là đối với các cụ cao tuổi, gia đình hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù bước đầu một vài đám giỗ, khi gia chủ trả lại phong bì có ý kiến không hài lòng, song sau giải thích, người dân nhận thấy ý nghĩa nên cũng đã đồng tình hưởng ứng. Đến nay, 100% các dòng họ, Nhân dân trong thôn Chiều đều đã thực hiện “ăn cỗ giỗ không phong bì”.

Cũng như thôn Chiều, xã Minh Tân, đến nay, 100% đám cưới, đám hiếu thôn Hồ Sen, xã Vĩnh Hào không sử dụng thuốc lá, 100% đám giỗ không nhận phong bì và người đi ăn cỗ cũng không mang phong bì. Để có được kết quả này, ngoài việc triển khai đến các đoàn th trong thôn, Ban chi ủy đã phân công nhiệm vụ cho các chi ủy viên và đảng viên gặp gỡ, vận động các ông Trưởng họ nhắc nhở anh em, họ hàng trong dòng họ thực hiện.  Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư chi bộ thôn Hồ Sen chia sẻ: văn hóa ăn cỗ giỗ hay đám 49 người quá cố có nhiều nét đẹp văn hóa, nhưng cũng có một số nét chưa phù hợp, vì liên quan đến kinh tế. Vì thế, chi bộ đã xây dựng và triển khai Nghị quyết chuyên đề về văn hóa, với nội dung đi ăn cỗ giỗ không phong bì và không sử dụng thuốc lá trong các đám cưới, đám hiếu đến các đảng viên và các đoàn thể trong thôn; đồng thời phân công nhiệm vụ cho các đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền Nhân dân thực hiện. Đặc biệt là tuyên truyền để các ông trưởng họ nắm bắt và vận động con cháu trong dòng học thực hiện, bởi các ông trưởng họ là những người có tiếng nói trong dòng họ..

 

anh tin bai

Khu vui chơi nhà văn hóa thôn Phú Quảng, xã Tam Thanh

Việc tổ chức đám giỗ là dịp để con cháu tri ân, tưởng nhớ những người đã khuất và cũng là dịp để các gia đình sum họp, đoàn viên. Đồng thời, cũng là việc riêng của từng gia đình, thể hiện mối quan hệ giữa những người đang cùng chung sống, nhưng lại có ảnh hưởng chung đến toàn xã hội. Nếu như nhiều năm trước đây, các gia đình ở huyện Vụ Bản tổ chức đám giỗ chỉ làm gọn nhẹ, gọi con cháu và mời anh em thân tín đến ăn cỗ đoàn kết và người được mời đến ăn cỗ chỉ mang lễ mọn, như đĩa hoa quả quê, chai rượu, thẻ hương đến thắp hương cho người quá cố.  Nhưng đến những năm gần đây, kinh tế phát triển, nhiều đám giỗ trong huyện được các gia đình tổ chức hoành tráng, số lượng khách mời được mở rộng và người đi ăn cỗ giỗ không chỉ mang lễ còn mang theo phong bì. Từ đó, làm phát sinh lối sống thực dụng, coi thường những giá trị văn hoá và đạo đức dân tộc, tình nghĩa cộng đồng. Mặt khác, việc đi ăn cỗ giỗ mang phong bì cũng gây khó khăn cho nhiều gia đình, bởi ở thôn quê, một năm có rất nhiều đình đám và khi có đình đám, các gia đình cũng mong muốn làm cỗ đãi anh em, bạn bè gần xa. Đối với những gia đình trẻ có thu nhập còn đỡ, nhưng đối với những người già không có thu nhập, hoặc thu nhập thấp thì quả là rất khó khăn. Nhận thức sâu sắc được vấn đề này, những năm gần đây, cùng với triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, các cấp, các ngành, đoàn thể huyện Vụ Bản đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện văn hóa “đi ăn cỗ giỗ không phong bì”, từng bước phát huy tinh thần đồng thuận xã hội và hình thành những chuẩn mực về nếp sống văn hóa, lối sống văn minh trong Nhân dân.

Việc thực hiện văn hóa “ đi ăn cỗ giỗ không phong bì” hiện nay ở huyện Vụ Bản là mang tính tự nguyện, nhưng tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố trong huyện đều triển khai tuyên truỳên, vận động Nhân dân thực hiện. Nhiều địa phương còn đưa vào hương ước xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.  Đồng chí Phạm Hồng Thanh -  Bí thư Đảng ủy xã Tân Khánh cho biết: Đảng ủy xã Tân Khánh đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo thực hiện nếp sống văn hóa trong khu dân cư, với nội dung trọng tâm như vận động Nhân dân đi ăn cỗ giỗ không phong bì, không sử dụng thuốc lá trong đám hiếu, đám cưới, đi ăn cỗ không lẫy phần...và triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã; đồng thời chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo các thôn xóm đưa vào hương ước xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư và đưa văn hóa đi ăn cỗ giỗ không phong bì là một trong những tiêu chí đánh giá việc thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư..Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, đến nay, 8/8 thôn của xã Tân Khánh đã và đang thực hiện hiệu quả văn hóa đi ăn cỗ giỗ không phong bì..

Hiện nay, ở huyện Vụ Bản mới có khoảng 20% thôn xóm thực hiện được văn hóa đi ăn cỗ giỗ không mang phong bì. Nhiều thôn xóm đã triển khai thực hiện, nhưng chưa triệt để vì người dân mang tâm lý áy náy, e ngại. Và việc thực hiện đi ăn cỗ giỗ không phong bì trên địa bàn huyện còn rất nhiều ý kiến trái chiều, như sinh ra tâm lý trả nợ miệng hay thay việc không mang phong bì thì mang lễ to hơn. Nhưng thực tế khi các gia đình có việc vui hay việc buồn lại tổ chức ăn uống, cỗ bàn và tiếng là tổ chức bữa cỗ mời gia đình, họ mạc, làng xóm chung vui, thế nhưng đằng sau đó lại có nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống và thu nhập của các gia đình tổ chức đám cỗ và người được mời đi ăn cỗ. Để xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cần có sự tham gia tích cực của người dân. Bởi người dân chính là chủ thể trong thực hành văn hóa tín ngưỡng, cũng như hình thành nếp sống, thói quen và văn hóa đi ăn cỗ giỗ mang phong bì là một minh chứng. Vì vậy, việc thực hiện văn hóa đi ăn cỗ giỗ không phong bì và quan điểm xây dựng con người Vụ Bản sống nghĩa tình, thấm nhuần những giá trị và chuẩn mực văn hoá được nêu trong Nghị quyết chuyên đề về văn hóa của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Vụ bản đã và đang hội tụ, ngày càng lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức, góp phần hun đúc nên cốt cách con người Vụ Bản, hướng tới giá trị “chân - thiện – mỹ. Từ đó tạo chuyển biến rõ trong nhận thức, sinh hoạt cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

P/v: Hải Vân – Trung tâm VH – TT&TT huyện Vụ Bản