KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tế tửu Nguyễn Thuyên
Lượt xem: 1110

Nguyễn Thuyên sinh năm Canh Tý (1790) trong một gia đình nho học làng Cựu Hào (xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Bố là Nguyễn Hoàn, vừa học giỏi toán pháp, vừa thông y lý, chữa bệnh rất giỏi. Mẹ là Phạm Thị Thuý con Cử nhân Huấn đạo Phạm Đình Dự. Ông nội là Cử nhân Nguyễn Xưởng, Huấn đạo Phủ Thiệu Thiên (Thanh Hoá). Do đó, từ nhỏ Nguyễn Thuyên đã tiếp thụ nền giáo dục gia đình có nề nếp, có học vấn cao, gia đạo nghiêm khắc. Ba anh em trai Nguyễn Thuyên đều đậu tú tài nhiều khoa. Nguyễn Thuyên đi thi Hương, ba khoá đều đậu Tú tài vào các năm Bính Tý (1816), Kỷ Mão (1819), Nhâm Ngọ (1822). Đến khoa thi Hương lần thứ tư năm Ất Dậu (1825) đời vua Minh Mạng, Nguyễn Thuyên đậu Cử nhân. Ông làm quan trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Trong 25 năm làm quan, Nguyễn Thuyên đã có 17 năm dạy học. Năm 1834, ông được thăng Đốc học tỉnh Thanh Hoá, rồi Đốc học tỉnh Hà Tĩnh, học trò có nhiều người đậu đạt cao. Do có nhiều công lao trong dạy học nên đến năm 1837 Nguyễn Thuyên được phong Phụng nghi đại phu. Năm 1841, vua Thiệu Trị mới lên ngôi đã biết Nguyễn Thuyên là một học quan có tài, nên phong tặng Hàn lâm Thị giảng học sĩ, rồi đưa về kinh thành phong làm Giám Sát ngự sử, kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, vừa dạy học ở Quốc Tử Giám vừa trông coi việc học trong phủ Hoàng tộc. Năm 1845, ông được kiêm chức Chưởng ấn kinh kỳ, Năm sau, Thiệu Trị thăng chức ông làm Tế tửu Quốc Tử Giám, đứng đầu trường Đại học quốc gia triều Nguyễn, Nhà vua quý mến ông, đổi tên ông là Nguyễn Công Hợp, Trải qua 17 năm dạy học, Nguyễn Thuyên đã góp công đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, có 3 Thám hoa, 17 Tiến sĩ, 7 Phó bảng và 24 Cử nhân. Trong đó có nhiều người về sau thành đạt, có danh vọng cao như các Thám hoa Phan Thúc Trực, Nguỵ Khắc Đàn và Đặng Văn Kiều, các tiến sĩ Bùi Thúc Kiên, Trần Huy Côn, cử nhân Đặng Huy Trú, Ngô Phùng, Đặng Văn Kiều và con là tiến sĩ Đặng Văn Bá sau này là những văn thân yêu nước ở Hà Tĩnh tham gia phong trào Cần Vương Chống Pháp, Đặng Huy Trứ, Ngô Phùng là những nhà thơ nổi tiếng cuối thế kỳ XIX.

Vua Tự Đức mến tài, cho phép ông mặc đại triều phục để học trò làm lễ Khánh thọ ông 60 tuổi, ban tặng ông Khánh vàng, tự tay đề từ hai bức đại tự "Kính Trai", "Nghĩa Phương" (Kính trọng thay sự thanh bạch giản dị, đẹp đẽ thay sự nhân nghĩa). Năm Tự Đức thứ 3 (1850) nhà vua cử ông ra Hà Nội làm giám khảo cuộc thi Hương ở trường Hà. Sau chuyến đi Hà Nội về, sức khoẻ của ông giảm sút. Ông xin cáo quan về trí sĩ. Mãi hai năm sau (1852), biết không giữ được, Tự Đức phải đồng ý ban cho nguyên hàm về trí sĩ tại quê nhà.

Ngày 13 tháng 7 năm Quý Sửu (1853), ông qua đời thọ 64 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc ông, ban sắc chỉ phong Nguyễn Thuyên: "Trung thuận đại phu Quốc Tử Giám Tế tửu tán trị Doãn Nguyễn Hầu". Hàng trăm học trò thành đạt, làm quan trong triều, ngoài hạt đều về dự lễ tang, đưa thầy đến nơi an nghỉ vĩnh hằng. Để ghi nhớ công ơn thầy, học trò đã xây dựng từ đường, sớm hôm thờ phụng thầy, một bậc sư biểu của đất Nam Định.

Năm 1858, từ đường xây dựng xong, học trò mời Bảng nhãn Tế tửu Quốc Tử Giám Vũ Duy Thanh (người làng Vân Bồng, huyện Yên Khánh, Ninh Bình), người kế nhiệm Nguyễn Thuyên ra dự lễ khánh thành và viết văn bia cho từ đường. Văn bia ca ngợi ông là một bậc đại sĩ phu không màng danh lợi, chỉ chuyên tâm dạy học, suốt đời sống thanh liêm, giản dị, vui với đạo học, dạy học trò thành đạt. Bài văn có đoạn viết: "Do có bệnh mà xin nghỉ hưu, mặc dù tuổi nghỉ hưu chưa đến, vẫn không tiếc. Tiên sinh thường vui vẻ chuyện trò, không hề bận tâm đến việc đua tranh với đời chỉ chú trọng đến việc dạy học, hết sức chăm lo việc đó, còn lại coi nhẹ hết. Điều tiên sinh ham muốn nhất, chính là bỏ được tính buồn bã (u sầu), cái mà người đời thường cho là lạnh nhạt. Tiên sinh suốt đời vui vẻ, không nói nhiều về đạo quân tử, mà thường ngày sống kiệm cần thanh bạch cho đến chết, nhà không chút của cải, chết nhẹ nhàng như Phiên Hầu Hy Tăng".

Nguyễn Thuyên là một trong ba vị Tế tửu triều Nguyễn của đất Nam Định. Thường chức Tế tửu đứng đầu Quốc Từ Giám phải là người đậu tiến sĩ trở lên. Nguyễn Thuyên là người chỉ đậu Cử nhân mà được nhà vua cử giữ chức này là điều rất đặc biệt, chứng tỏ ông học vấn rất uyên thâm, đạo đức trong sáng, là một bậc sư biểu được nhiều người trọng vọng. Tế tửu Nguyễn Thuyên là một tấm gương sáng về phong cách sống thanh bạch, giản dị, lạc quan, về tâm huyết với đạo học, luôn lo lắng tải đạo học, góp phần hưng thịnh đất nước.

Phòng VHTT sưu tầm,soạn và giới thiệu

Theo Địa chí Văn hóa huyện Vụ Bản