KHI CẦN GIẢI ĐÁP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH - HÃY GỌI NGAY ĐẾN ĐƯỜNG DÂY NÓNG SỐ ĐT 0228.3821626 - 0888305268!


 



anh tin bai
 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nhà giáo Bùi Trình Khiêm
Lượt xem: 1448

Nhà giáo Bùi Trình Khiêm sinh năm Mậu Dần (1878) trong gia đình một nhà nho làng Vân Tập (xã Minh Tân), vốn dòng dõi Tiến sĩ Bùi Tân ở làng Kim Bảng (nay là Xuân Bảng, xã Kim Thái), Bùi Tân đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1502 đời Lê Cảnh Thống.

Cụ thân sinh Bùi Trình Khiêm là cụ đồ Bùi Đức Hải, sống ở thời loạn lạc, cụ Hải ở nhà dạy học, Cụ có hai con trai là Khiêm và Thảo, đều do cụ dạy học từ nhỏ. Khiêm học giỏi hơn, sau này học cả chữ Quốc ngữ, Còn Thảo thì thích học võ hơn, võ nghệ tinh thông, nhưng tiếc rằng mất sớm khi chưa đầy hai mươi tuổi, Cụ đồ Hài mất, Bùi Trình Khiêm nối chí cha, tiếp tục dạy học, cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ.

Đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước dân chủ Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục lan mạnh đến tỉnh Nam, được đông đảo sĩ phu Vụ Bản hưởng ứng. Ông Đốc Đàm Chí Trạch ở làng Khổng (xã Liên Bảo) đưa Cường Đễ và Phan Bội Châu trú tại nhà, chuẩn bị xuất dương. Ông đã liên hệ với Ông Trần Huy Trinh (Vân Cát), Phạm Cao Đàm (Châu Bạc) và Bùi Trình Khiêm vận động thanh niên học sinh sang Nhật du học cùng Phan Bội Châu, đồng thời vận động các bậc hào phú trong huyện quyên góp ủng hộ phong trào. Tiếp đó, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can ở Hà Nội truyền xuống Nam Định. Cụ cử Can chọn số nhà 7 phố Bến Ngự Nam Định làm trung tâm tập hợp các sĩ phu yêu nước tiến bộ trong tỉnh, truyền bá văn thơ yêu nước dân chủ, vận động duy tân, cải lương xã hội, mở rộng việc dạy chữ Quốc ngữ trong nhân dân. Bùi Trình Khiêm lại tích cực hoạt động, đem văn thơ yêu nước của phong trào Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục cùng những thơ ca mình tự sáng tác thêm để dạy học trò. Mặc dù phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục cũng bị thực dân Pháp đàn áp nhưng thầy giáo Bùi Trình Khiêm vẫn tìm cách dạy học trò nâng cao lòng yêu nước, yêu quê hương, ngấm ngầm kể chuyện hoạt động yêu nước của các chí sĩ cách mạng, truyền bá thơ ca yêu nước tiến bộ cho học sinh. Theo gương ông, nhiều học trò như: Trần Huy Liệu, Trần Công Thái, Trần Quang Lân, Trần Lê Đức... đều háo hức cống hiến sức lực, trí tuệ với đời.

Năm 1923, Bùi Trình Khiêm đưa cả 4 người trong gia đình cùng học trò yêu của mình là Trần Huy Liệu đáp tàu thủy vào Sài Gòn tìm cách sinh sống, Tuy nhiên cuộc sống tha hương, thiếu thốn nơi xứ người đã buộc ông lại phải quay về Bắc. Năm 1926, sau khi vua Khải Định chết, Bảo Đại lên thay, thực dân Pháp muốn "quảng cáo" cho vua mà chúng gọi là vua "tân học", nên cho mở một số trường học gọi là hương sư hay tổng sư. Vì biết cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ, nên Bùi Trình Khiêm được bổ làm thầy giáo ở trường Tiên Hương. Qua việc vào Sài Gòn tìm việc, Bùi Trình Khiêm càng thấy nỗi nhục nhã, ê chề của người dân mất nước, nung nấu ý chí cứu nước, cứu dân. Ngặt nỗi, lúc này tuổi đã ngũ tuần, sức vóc yếu đuối, Bùi Trình Khiêm chọn con đường dạy học vừa độ thân, vừa là hoàn cảnh có thể đem tài sức của mình giúp dân, giúp nước. Lúc này, phong trào đòi tha nhà yêu nước Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh đang sôi nổi khắp nơi, lại được học trò là Trần Huy Liệu gửi thư động viên an ủi, mong thầy tiếp tục dạy học để bồi dưỡng lòng yêu nước, chí khí cách mạng cho lớp trẻ, nên Bùi Trình Khiêm yên tâm dạy học. Lớp học trò mới của thầy, trong đó có cả các con là Bùi Đức Nghị, Bùi Hạnh Cẩn, Bùi Thung Dư, Bùi Thế Phổ, các cháu mình là ba anh em Trúc Đường, Nguyễn Bính, Ngọc Thụ (gọi Trình Khiêm là cậu) cùng với nhiều thanh thiếu niên các làng Vân Cát, Tiên Hương, Xuân Bảng như Trần Lê Quất, Trần Thế Thái v.V... đều chăm chỉ học tập, nghe lời khuyên của thầy sớm có lòng yêu nước, thích làm công việc xã hội, làm thơ, làm báo.

Ngoài dạy học, ông còn nghiền ngẫm thêm Nho học, tìm thấu những tinh tuý của văn hoá Trung Quốc để ứng dụng trong đời, đồng thời cũng nêu tấm gương sáng về tự học cho học trò. Ông đã biên soạn cuốn sách Việt Hán thông thoại tự vị và cuốn Mẹo chữ Hán, giúp cho người học chữ Hán biết được viết đúng ngữ pháp và đúng ý nghĩa của chữ Hán thông dụng. Ông viết báo, nêu những việc tốt đẹp, phê phán thói hư tật xấu của người đời. Trong thập kỷ 30, ông đã cho xuất bản hai tập sách Chớ có cười tập I và tập II. Với lời văn nhẹ nhàng, lời thơ bình dị, dân chúng rất thích hai cuốn sách đó của ông để tự răn mình và giáo dục con cháu. Ông gửi tâm sự và niềm ước vọng muốn thay đổi xã hội đầy rẫy những xấu xa, tội ác dưới chế độ thực dân phong kiến vào những trang sách đó.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở xã, cùng Việt Minh xây dựng củng cố chính quyền nhân dân, góp nhiều ý kiến phát huy quyền dân chủ, mang lợi ích cho nhân dân. Ngày mồng 6 tháng Giêng năm 1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta nhân dân nô nức đi bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, một hiện tượng trùng hợp đầy ý nghĩa hai thầy trò Bùi Trình Khiêm và Trần Huy Liệu đều ứng cử ở quê nhà Vụ Bàn và đều trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân trong tỉnh và trong cả nước. Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân bùng nổ, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III được thành lập. Với tài đức của mình, mặc dù tuổi đã cao, cụ Bùi Trình Khiêm đã được Đảng và Nhà nước tin cậy, mời cụ tham gia Ban Tu thư soạn sách cho ngành giáo dục, góp phần nâng cao dân trí như lòng ham muốn lâu nay của cụ. Chiến tranh lan rộng, Ủy ban đổi về Thanh Hoá, Ban Tu thư của cụ sơ tán tại Huyện Yên Định. Trong hoàn cảnh khó khăn do chiến tranh, cụ vẫn miệt mài công tác, góp phần tích cực vào sự phát triền ngành giáo dục dân chủ còn non trẻ ở vùng tự do.

Ngày 14 tháng Giêng năm Tân Mão (1951), do tuổi già sức yếu, cụ Bùi Trình Khiêm, nhà giáo yêu nước đã qua đời tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, thọ 73 tuổi. Hiện nay, nhà thờ họ Bùi đã được tôn tạo trên đất cũ của cụ Bùi Trình Khiêm, khang trang, rộng rãi, có nhiều kỷ vật và kỷ niệm về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Bùi Trình Khiêm để lại, nói lên vị thế đẹp đẽ, phát triển của dòng họ Bùi ở Vân Tập này, mà người tiêu biểu nhất là nhà giáo yêu nước Bùi Trình Khiêm.

Phòng VHTT sưu tầm,soạn và giới thiệu

Theo Địa chí Văn hóa huyện Vụ Bản